Học trò lên núi hứng sóng học online

23/09/2021 10:23 GMT+7

Nhiều học sinh ở vùng cao Nghệ An đang phải leo lên núi tìm sóng điện thoại để học trực tuyến trong những “lớp học” chênh vênh giữa núi rừng.

Lớp học giữa rừng

Vừa lên lớp 10, thay vì được đến Trường THPT Quế Phong (H.Quế Phong, Nghệ An) để học tập, 2 tuần qua, mỗi buổi sáng, Vừ Y Hoa ở bản Huồi Xái (xã Tri Lễ, H.Quế Phong) lại leo lên núi để tìm cái chữ. Ngọn núi cách nhà gần 1 giờ đi bộ được xác định là nơi có sóng điện thoại tốt nhất ở bản vùng cao biên giới này.
Hoa tìm đến địa điểm này để học khi lớp học của Hoa đã học được 4 buổi, kể từ ngày khai giảng. Sóng điện thoại yếu và việc kết nối khó khăn nên mất khá lâu, cô nữ sinh này mới gia nhập được với lớp.  
“Lớp học” mới của Hoa chỉ là núi rừng với chiếc điện thoại đã được nạp đầy pin, cách trường hơn 30 km. Ở cái điểm được xác định là tốt nhất này, thi thoảng mạng vẫn bị rớt và Hoa bị “ao” ra khỏi lớp. 
Mùa này, mưa nắng thất thường nên việc lên núi tìm chữ của Hoa cũng bữa đực bữa cái. “Hôm nào mưa kéo dài thì em không thể học được, lại phải về”, Hoa buồn bã nói qua điện thoại.
Hoa lo lắng vì nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, Hoa sẽ bị tụt lại, không thể theo kịp các bạn cùng lớp khi các bạn có điều kiện tốt hơn để học trực tuyến.

Học trực tuyến trên núi

CTV

Bước khởi đầu cho hành trình tìm kiếm tri thức ở bậc THPT đầy gian nan, nhưng cô gái người Mông này nói không muốn bỏ học. "Em rất mong dịch Covid-19 sớm được dập tắt, để được đến trường học", Hoa nói.
Đậu vào lớp 10, năm học mới đã bước qua tuần thứ 2, nhưng Xồng Bá Mùa (bản Mường Lống, xã Tri Lễ, H.Quế Phong) mới liên lạc được với cô chủ nhiệm lớp để xin nhập học. Nhà Mùa ở vùng cao, cách trường gần 40 km, sóng điện thoại chập chờn, dịch dã bủa vây nên Mùa không có thông tin về năm học mới.
Sốt ruột, anh trai của Mùa gọi lên xã nhờ kết nối với nhà trường để tìm hiểu lịch học. Khi Mùa gọi được cho cô giáo chủ nhiệm thì lớp đã học trực tuyến được 1 tuần. Thương cậu học trò nghèo vùng cao, cô chủ nhiệm đã báo cáo nhà trường đặc cách cho cậu theo học.
Không thể đến trường vì dịch Covid-19, lớp của Mùa cũng học trực tuyến. Để Mùa theo học, gia đình đã nhường chiếc điện thoại duy nhất cho Mùa. Người anh trai của Mùa đã lên núi, dựng tạm cái lán nằm cách nhà hơn nửa giờ đi bộ làm nơi cho Mùa hứng sóng để học.

Nơi học trực tuyến của Xồng Bá Mùa

CTV

Dù đã chọn được nơi tốt nhất, nhưng chương trình học của Mùa cũng thường bị gián đoạn. Chưa kể, muỗi rừng kéo đến khiến cậu rất khổ sở. Cô giáo chủ nhiệm đã cử một bạn viết chữ đẹp nhất trong lớp hàng ngày chép bài đầy đủ, cuối buổi học, bạn này chụp ảnh rồi gửi vào nhóm lớp để Mùa và những bạn bị rớt sóng tự học.
Trúng tuyển Trường THCS Dân tộc nội trú của huyện, rất khát khao đến trường, nhưng Xồng A Thành và Xồng Bá Dần (lớp 6, ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ) vẫn không thể ra huyện để học vì dịch Covid-19. Sóng điện thoại rất yếu, nên dù năm học mới đã bắt đầu, cô giáo chủ nhiệm Lữ Thị Thanh Hải vẫn không thể nào liên lạc được với hai học sinh này.
Tìm nhiều cách, cuối cùng cô Hải cũng gọi điện nhờ được trưởng bản nhắn tin cho phụ huynh của Dần và Thành. Vài ngày sau, nhận được cuộc điện thoại từ bố của Dần, cô Hải vui như bắt được vàng. Cô thông báo về kế hoạch dạy học trực tuyến của nhà trường và hướng dẫn cho ông bố về cách thức học của con trai.
Hôm sau, hình ảnh cô Hải nhận được từ ông bố này là 2 cậu học trò mặc quần áo tươm tất, mang theo sách vở, ngồi giữa cái chòi dựng chênh vênh trên núi, bên trên được che bằng tấm bạt.

Lớp học giữa rừng

CTV

“Lớp học” này là nơi người bố của Dần đã dựng cho con trai và người bạn đồng môn của con tìm cái chữ. Sau khi tìm được chỗ học ưng ý, người bố này nhờ một thanh niên trong bản sử dụng thành thạo điện thoại di động rồi kết nối với cô giáo để cô hướng dẫn cách cài đặt, đăng nhập vào hệ thống LMS.
Khá vất vả để nhập lớp, nhưng rồi hai em cũng đăng nhập, kết nối thành công.
Từ đó, hàng ngày, Dần và Thành leo lên đây để hứng sóng từ chiếc điện thoại của người bố để học. Cô Hải tâm sự, khi nhận được hình ảnh của hai học sinh bị “thất lạc” đã tìm thấy này, khi các em đã ngồi vào lán, chờ được học, cô xúc động đến bật khóc.
“Điều tôi thấy ấm lòng nhất là dù rất khó khăn, nhưng phụ huynh không hề than vãn mà ngược lại rất nỗ lực để tạo điều kiện cho con học trực tuyến”, cô Hải nói.
Trước khi năm học mới bắt đầu, dịch Covid-19 vẫn diến biến phức tạp, học sinh ở tản mát khắp nơi trong huyện, cách xa hàng chục cây số nên cô Hải đã tìm cách gửi sách giáo khoa đến nhà cho các em. Có sách, nên việc học trực tuyến cũng thuận lợi hơn.

Nỗ lực để vượt khó

Tại Trường THPT Quế Phong, sau 2 tuần học trực tuyến, tỷ lệ học sinh tham gia học các tiết học đạt trên 98%. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều học sinh khó học vì sóng điện thoại không ổn định.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Tư, Hiệu phó trường cho biết, trường đã tìm nhiều giải pháp như để giáo viên chủ động chọn đường truyền ổn định, tăng cường dung lượng bộ nhớ để giáo viên tải được nhiều bài giảng lên mạng hoặc kết hợp dạy học trực tuyến và giao bài qua email nhưng học trực tuyến cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Bà Nguyễn Kim Ngân, Hiệu phó Trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, cho biết do trường vẫn đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung nên từ ngày 6.9 đến nay, toàn trường phải dạy học trực tuyến trên hệ thống LMS.

Chuyển sách giáo khoa đến nhà học sinh vùng cao

CTV

Tỉ lệ học sinh tham gia liên tục các buổi học đều đạt trên 90%. Đây là điều bất ngờ đối với lãnh đạo nhà trường.
“Dù chất lượng còn hạn chế, nhưng quan trọng nhất là học sinh được gặp nhau, gặp thầy cô, có nề nếp, duy trì thói quen học tập. Những kiến thức còn lại, ngay khi trường học hoạt động bình thường, chúng tôi sẽ bù đắp cho các em, kể cả dạy 2 - 3 ca/ngày, giáo viên cũng không quản ngại”, bà Ngân nói. 
Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, qua khảo sát tỉnh có 69.727 học sinh đang thiếu phương tiện, thiết bị (hơn 42.000 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn) và có 23.919 (tỉ lệ 3,77%) học sinh không kết nối được Internet. Những ngày qua, Sở GD-ĐT đã vận động hơn 10 tỉ đồng hỗ trợ phương tiện cho học sinh khó khăn để học trực tuyến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.