Cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn đủ điều
Nguyễn Danh Bách, học sinh lớp 12A9 Trường THPT Bình Phú, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), đang ở trọ cùng bố mẹ và em gái tại một phòng trọ tuềnh toàng chưa tới 20 m2. Bách chẳng thể nhớ nổi đây là phòng trọ thứ bao nhiêu trong cả chục năm qua khi phải thường xuyên chuyển chỗ trọ.
"Có lúc vì em chuyển cấp học, ba mẹ tìm thuê nơi gần trường. Có lúc phải chuyển đi vì giá tiền phòng tăng lên, ba mẹ không đủ tiền thuê. Cứ thế, có khi 1 năm nhà em phải chuyển phòng trọ đến vài lần", Bách nói.
Ba của Bách là ông Nguyễn Xuân Tùng (51 tuổi). Khi mới rời quê Nghệ An vào miền Nam lập nghiệp, ông Tùng làm bảo vệ cho một công ty. Đại dịch Covid-19 ập đến khiến ông lâm cảnh thất nghiệp. Gần đây, sau khi đi khắp nơi tìm việc, ông Tùng được một đơn vị xây dựng nhận làm phụ hồ với tiền công khá thấp.
Mẹ Bách là bà Phạm Thị Vóc (49 tuổi) làm tạp vụ với thu nhập cũng rất thấp, lại không ổn định. "Mỗi tháng biết bao nhiêu thứ buộc phải chi, nào là tiền ăn, tiền điện, tiền thuốc men, tiền học hành của 2 con nên nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Nhiều khi ăn bữa trưa phải nghĩ đến việc chạy gạo lo bữa tối", bà Vóc kể.
Cứ thế, nhà Bách luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. "Để có tiền nuôi 2 anh em ăn học, bố em phải vay mượn khắp nơi. Có nhiều đêm ngồi học bài, em nghe bố mẹ nói chuyện mới biết gia đình đang nợ nần rất nhiều", Bách kể với giọng buồn buồn.
Cố gắng học để mong có tương lai tốt hơn
Thấu hiểu được tình cảnh cơ cực của gia đình nên vào những ngày cuối tuần hoặc khi không bận học, Bách tranh thủ đi phụ hồ với bố, kiếm thêm chút tiền phụ bố mẹ.
"Thấy bố đi làm vất vả, em thương lắm. Em đi cùng bố để phụ bố làm những công việc nặng nhọc, cũng kiếm thêm chút tiền để bữa ăn có thêm con cá, đĩa rau", Bách thổ lộ.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Danh Bách, quý độc giả vui lòng gửi về tài khoản: Báo Thanh Niên - số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Danh Bách; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Mọi đóng góp của bạn đọc, chúng tôi sẽ chuyển đến em Nguyễn Danh Bách trong thời gian sớm nhất.
Bách kể có những lúc thấy bạn bè có cuộc sống đủ đầy em cũng thoáng chút buồn tủi, chạnh lòng. "Tuy nhiên, chẳng ai được chọn nơi mình sinh ra cả. Nhưng em tin mỗi người có thể chọn được mục tiêu phấn đấu cho mình", Bách suy nghĩ vậy và nỗ lực học tập với hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn.
12 năm liên tục Bách luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vào năm lớp 11, Bách còn đạt giải khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý. Học kỳ 1 năm lớp 12, Bách đạt hạng 2 toàn trường; cả năm học Bách đạt điểm trung bình 9.0, là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt.
"Em tự hiểu rằng chỉ có việc học mới có thể giúp thoát cảnh nghèo khổ, để có được tương lai xán lạn hơn. Em phải học giỏi, phải vào đại học, không để ba mẹ thất vọng…", Bách nói.
Thế nhưng khi nói tới hai chữ "đại học", Bách bỗng ngập ngừng, vì: "Quả thật em rất mơ hồ về tương lai của mình. Em không biết ba mẹ có lo nổi cho em học đại học không nữa".
Tuy vậy, Bách vẫn háo hức chia sẻ về khao khát được tiếp tục học, được đến với giảng đường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Mong ước là thế, nhưng Bách cũng biết thực tế là sau khi thi tốt nghiệp THPT, con đường học vấn của em sẽ không hề bằng phẳng mà phải đối mặt với nhiều khó khăn.
"Em chỉ biết nỗ lực từng ngày và thi tốt kỳ thi tới. Nếu may mắn có tiền được học tiếp, em sẽ vừa học vừa làm thêm để có tiền đóng học phí cũng như lo cho cuộc sống bản thân", Bách chia sẻ.
Bình luận (0)