Buổi sáng dạo quanh Bảo tàng Đà Nẵng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một nhóm người nước ngoài đang chăm chú đánh vần khi đọc những chú thích ghi phía dưới mỗi hiện vật. Thật bất ngờ khi đây là nhóm bạn đang học tiếng Việt. Chị Thùy Trang, giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cho hay họ đang có buổi ngoại khóa để kiểm tra năng lực tiếp thu tiếng Việt của mình sau nhiều buổi học tại lớp.
“Hoạt động này vừa giúp các bạn trực tiếp sử dụng những vốn kiến thức mình được học, đồng thời có thể tìm hiểu văn hóa Việt dễ dàng hơn”, chị Trang nói.
Học từ những điều bình dị
Andrew, sinh viên trao đổi văn hóa quốc tịch Anh đang làm việc tại TP.Hội An (Quảng Nam) hơn một năm nay, cho biết thời gian đầu ở VN anh “mù tịt” tiếng Việt. Sau này, khi có bạn gái người Việt và bản thân cũng muốn học để thuận tiện giao tiếp với gia đình cô ấy, anh bắt đầu đấu vật với con chữ.
Trường hợp của Mario (quốc tịch Pháp, đầu bếp tại TP.Đà Nẵng) cũng vậy: điều kiện khách quan buộc anh tìm cách giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương, do thường xuyên... phải đi chợ. “Dù bảng chữ cái cũng giống như ngôn ngữ của nước tôi, nhưng dấu thì lại là một vấn đề lớn. Bất cứ khi nào tôi nói nhầm dấu của một từ nào đó thì nó lại biến thành một nghĩa khác, thật nguy hiểm!”, Mario kể. Trong khi đó, Courtney, nữ sinh viên trao đổi văn hóa quốc tịch Mỹ đang làm việc tại TP.Đà Nẵng, cũng “tiết lộ” mình có thể học được tiếng Việt mọi nơi mọi lúc. “Ngay ở cô bán mỳ Quảng đầu ngõ hay những người hàng xóm cũng học được rồi, nhất là khi họ rất cởi mở”, Courtney nói.
Với những người trực tiếp dạy tiếng Việt cho “học sinh” nước ngoài, đây là một trải nghiệm thú vị, thường xuyên lắng nghe những cảm nhận của họ về ngôn ngữ. “Những thanh điệu của chúng ta hầu hết đều khiến học sinh liên tưởng tới việc họ đang hát hơn là học về một ngôn ngữ. Điều đó tạo rất nhiều hứng thú cho người học”, Tuyết Nhi, giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Đà Nẵng bình luận.
Bình luận (0)