Bên cạnh việc nhiều gia đình đầu tư cho con lên thành phố học, không ít học sinh bước vào trường nội trú do có hoàn cảnh đặc biệt.
Học sinh Trường nội trú IVS rèn luyện thể lực sau giờ học - Ảnh: Lam Ngọc
|
Nhiều hoạt động để học sinh đỡ nhớ nhà
|
Nhà của L. (17 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chỉ cách Trường nội trú Bách Việt vài phút đi bộ nhưng em đã vào học nội trú 3 năm. Một tuần L. chỉ về nhà vào cuối tuần. L. tâm sự: “Vì em mê game nên em bị cha mẹ gửi vào trường nội trú”. Giờ L. đang học ở Trường nội trú IVS.
Để học sinh (HS) vơi đi nỗi nhớ nhà, tập trung vào việc học và rèn nền nếp, các trường nội trú đề ra hàng loạt các kế hoạch học tập, vui chơi để kết nối HS với thầy cô và nhà trường.
Ông Hoàng Gia Thành, Phó hiệu trưởng Trường THPT nội trú Hồng Đức, cho biết: “Muốn HS không có thời gian buồn, nhớ nhà, chúng tôi thường hướng dẫn HS tự tổ chức các game show, chương trình vui để học”. Ngoài giờ học, Trường Hồng Đức lập “Quán cà phê thư giãn sân bay” do HS tự phục vụ. Đây cũng được xem như mô hình của một câu lạc bộ mà HS sẽ được trải nghiệm khi phục vụ người khác, thấu hiểu công việc của nhân viên trường, cha mẹ ở nhà. Cũng từ đó rèn luyện để HS trưởng thành hơn trong tương lai...
Nhiều trường nội trú khác còn tổ chức những cuộc thi kiến thức như “Sao tháng 7”, “Rung chuông vàng”, “Tìm kiếm tài năng”, “HS thanh lịch”, hay “Gặp gỡ ngôi sao”... Qua đó, HS rèn luyện thêm bản lĩnh, tự tin. “Ngoài tổ chức các chương trình vui chơi, chúng tôi tham gia công tác “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt) với các em. Chỉ khi ở cùng các em, chúng tôi mới biết đằng sau vẻ ngoài khó ưa của những đứa HS nghịch ngợm là hàng ngàn tâm sự, ấm ức của cuộc sống mà các em âm thầm chịu đựng, không muốn chia sẻ cùng ai; là những đêm khóc mà không dám lên tiếng vì sợ người khác biết”, ông Trần Sang, giáo viên Trường IVS chia sẻ.
“Những lúc ấy chúng tôi lại chia sẻ với các em về cuộc sống của chính mình. Rồi gần như xóa đi cái khoảng cách thầy - trò, thay vào đó chúng tôi sống với nhau như một gia đình”, ông Sang nói thêm.
Khóc nức nở khi thấy con biết mời nước
Chính từ những nỗ lực không mệt mỏi ấy của thầy cô mà những đứa trẻ ngang bướng trở nên biết suy tư, có cảm xúc nhiều hơn. Các em biết nghĩ về cha mẹ hơn và dần nhận ra những lỗi lầm và tự hứa sẽ sửa sai.
Vẫn khuôn mặt non nớt nhưng bây giờ Nguyễn Ngọc Giang (Trường IVS) đã khỏe khoắn hơn trong bộ võ phục vovinam. Giang cũng tự tin hơn: “Bây giờ nếu được gặp lại ba mẹ, em sẽ nói con muốn trở thành một vận động viên vovinam và em cũng muốn nói với ba mẹ là em nhớ nhà, nhớ ba mẹ”. Còn Duy Phúc, trước đây đã nhiều lần trốn khỏi Trường IVS, nói: “Nếu bây giờ được quay ngược thời gian em sẽ không bao giờ làm ba mẹ buồn để không phải học trường nội trú. Sống xa ba mẹ nữa...”.
Gửi con một thời gian ở Trường tiểu học Nhựt Tân, khi đến thăm con, chị Minh Diệp vui mừng khôn xiết khi thấy con trưởng thành. Mắt đỏ hoe, chị Diệp khoe: “Con tôi năm nay học lớp 4. Từ lớp 1 tới lớp 4 là cha mẹ chăm sóc từ miếng ăn tới giấc ngủ. Vào trường nội trú thăm con thấy con cầm ly nước mời mẹ. Nhận ly nước từ tay con mà tôi không dám tin là sự thật”.
Trưởng thành hơn khi vượt qua nỗi nhớ
Không khí buồn, lặng lẽ được dịu đi nhờ các trò hoạt náo của giáo viên Võ Minh Thắng (dạy môn thể dục Trường Nhật Tân). Những đôi mắt vừa ướt nước mắt lại nhanh chóng khô đi thay thế bằng những nụ cười long lanh. Anh Thắng cho biết: “Trẻ con dễ khóc, dễ cười lắm. Lúc chúng buồn khóc, chỉ cần mình chịu khó lắng nghe, phân tích cho chúng hiểu và kể cho chúng một câu chuyện cười là xoa dịu được”.
Vào đây, những đứa trẻ mới lớp 1, lớp 2 đã răm rắp gấp mền gối ngăn nắp, ăn cơm, tắm gội đúng giờ. Buổi sáng chưa đầy 6 giờ các em đã hoàn thành bài tập thể dục buổi sáng đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và lên lớp.
D. (15 tuổi, quê Bình Dương) trước khi vào học ở IVS thường bỏ nhà đi bụi. Lúc mới vào nội trú, D. thường trách ba mẹ không thương mình nhưng ở trường một thời gian, được các thầy kèm thêm các môn văn hóa, những lỗ hổng trong kiến thức của D. được trám dần. Từ một HS học yếu, nay sức học của D. được cải thiện nhiều. Hiện tại D. đã không còn cảm thấy chán nữa mà còn mạnh dạn nói về kế hoạch sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ thi vào trường văn hóa nghệ thuật, đến gần hơn với ước mơ trở thành ca sĩ của mình.
Còn Trần Phi Long cho biết: “Ở trường, chúng em sinh hoạt theo một quy trình rất khắt khe. Ngoài thời gian ở trên lớp, em bị buộc tham gia những hoạt động vui chơi, ngoại khóa của trường và hầu như không được ngồi máy tính. Từ đó em thấy game không còn hấp dẫn với mình như trước nữa”.
Long xúc động nhớ lại: “Một tháng sau khi đưa em tới trường nhập học, ba mẹ quay lại thăm em. Lúc đó, nhìn thấy bóng mẹ ở cổng trường em đã bật khóc. Lần đầu tiên em cảm thấy nhớ mẹ nhiều như thế. Cũng từ giây phút đó, em đã tự nhủ với mình phải cố gắng nhiều hơn để được chuyển về trường công lập học. Hy vọng sẽ giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho ba mẹ”.
Thầy Trịnh Phú Sơn (Trường IVS) kể: “K. là một HS nghiện game. Em dành rất nhiều thời gian chơi game dẫn đến học hành sút kém, thể trạng gầy yếu. Khi đến trường, nắm bắt được hoàn cảnh đặc biệt của em, vốn chỉ ở với mẹ và bà ngoại, tôi cũng đã có những biện pháp tâm lý riêng cho K”. Thành quả là khi mẹ và bà của K. lên thăm, họ đã rất vui mừng khi K. đã hình thành được những suy nghĩ tốt đẹp, phát triển cả trí tuệ và thân thể.
Dù biết các HS trưởng thành nhiều từ môi trường nội trú, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng cho hoàn cảnh của các em. Không biết, tối nay Đ. có còn mơ thấy ngày ba mẹ cưới nhau, T. có còn vùi mặt vào gối khóc thầm, P. có đang kê cằm vào gối tưởng tượng được áp mặt vào cánh tay mẹ ngủ tới sáng?... (còn tiếp)
Bình luận (0)