Sẽ có nhiều hình thức kiểm tra khi học sinh học trực tuyến |
ngọc thắng |
Đa dạng hình thức kiểm tra
Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên và cũng là lần đầu tiên học sinh (HS) TP.HCM học trực tuyến kéo dài dự kiến đến hết học kỳ 1 nên các trường cũng như các giáo viên (GV) cần có sự chuẩn bị về bài kiểm tra định kỳ để đảm bảo mục tiêu kiểm tra kiến thức, tránh sự thiệt thòi cho HS.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, GV Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho hay trường đã tính toán đến việc sử dụng các hình thức kiểm tra linh hoạt trên các phần mềm hoặc cũng có thể yêu cầu HS thực hiện bài viết trực tiếp. Trong đó hình thức viết chủ yếu được áp dụng đối với môn tự luận, cụ thể là môn văn; còn lại các môn học khác sử dụng các loại hình khác nhau như kiểm tra qua câu hỏi trắc nghiệm, các sản phẩm học tập…
Về hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ của môn hóa học, GV Lê Trung Thu Hằng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cho hay trường sử dụng hình thức trắc nghiệm để thuận lợi cho GV và HS khi kiểm tra và chấm bài. Bên cạnh đó, tổ bộ môn còn đánh giá điểm định kỳ của HS qua các bài như vẽ mindmap hệ thống kiến thức của chương, thiết kế video nguyên tố hóa học, vẽ infographic, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo...
Học sinh Hà Nội thực hiện bài kiểm tra trực tuyến cuối năm học vừa qua |
N.S |
Cũng với định hướng đa dạng hình thức kiểm tra, GV Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), thông tin có thể yêu cầu HS thực hiện một sản phẩm học tập nhỏ như xây dựng một clip ngắn với những hình ảnh lời bình âm nhạc thể hiện suy nghĩ và cảm nhận về tác phẩm văn học hoặc ra đề nghị luận xã hội với thời gian làm bài theo quy định. Ngoài ra, tổ ngữ văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân dự kiến tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ là những câu hỏi tương tự như đề thi đánh giá năng lực.
Còn bài kiểm tra cuối học kỳ 1 có thể sử dụng hình thức vấn đáp với các câu hỏi yêu cầu HS trả lời ngắn gọn, tư duy nhanh.
Có giáo viên dự tính không đưa tác phẩm văn học đang học vào bài kiểm tra mà lựa chọn một vấn đề nghị luận xã hội gần gũi mang tính giáo dục để yêu cầu các em phát huy được suy nghĩ, năng lực cảm thụ và khả năng thể hiện ngôn ngữ.
Rèn luyện kỹ năng, không gây khó cho học sinh
Thông thường bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ là dịp để nhìn nhận việc học, đánh giá rõ năng lực của HS để kịp thời điều chỉnh trong thời gian sau đó. Tuy nhiên, thạc sĩ Phan Thế Hoài cho hay do HS ngừng đến trường và học trực tuyến nên khi tổ chức các bài kiểm tra khó có sự giám sát chặt chẽ, do vậy các bài kiểm tra trong thời gian này tập trung vào mục tiêu rèn kỹ năng.
Còn theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV dạy tại một trường THPT ở Q.7 (TP.HCM), cho biết hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập định kỳ phải phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản, hướng dẫn HS tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Đề kiểm tra chỉ ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không đánh đố và không ra các câu vận dụng cao sẽ dễ gây áp lực cho HS.
Bà Đỗ Ngọc Chi, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cho biết: “Nhà trường dự kiến nếu kiểm tra thì sẽ chọn hình thức chia thành nhóm nhỏ, sử dụng Zoom hoặc Google Meet, yêu cầu HS mở camera, micro và đề nghị phụ huynh tạo điều kiện cho HS chủ động làm bài”.
Về nội dung kiểm tra, bà Chi cho biết đề kiểm tra sẽ đơn giản hóa nội dung kiến thức, tinh giản kiểm tra kiến thức trọng tâm.
Nói về việc tổ chức kiểm tra trong bối cảnh hiện nay, GV Đức Anh cho rằng các bài kiểm tra thực hiện trong thời gian học trực tuyến, ngưng đến trường đòi hỏi sự tự giác và trung thực của HS. Tuy nhiên, GV cần có sự đánh giá và nhìn nhận cả quá trình rèn luyện học tập của HS chứ không chỉ qua một bài thi trực tuyến.
Bình luận (0)