Học trước chương trình lớp 1: 'Hiệu ứng cửa sổ vỡ'

13/05/2023 13:57 GMT+7

Từ việc nhiều phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1, tôi nghĩ tới hiệu ứng 'cửa sổ vỡ'.

Học trước chương trình lớp 1: Hiệu ứng cửa sổ vỡ - Ảnh 1.

Bên trong một lớp học trước chữ, toán trước khi vào lớp 1 ở TP.HCM

TNO

"Hiệu ứng cửa sổ vỡ" là gì?

Năm 1969, nhà tâm lý học Philip Zimbardo của ĐH Stanford (Mỹ) tiến hành một cuộc thử nghiệm. Ông bỏ hai chiếc ô tô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, TP.New York và khu dân cư giàu có tại TP.Palo Alto, bang California, Mỹ.

Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi ông Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là "ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa".

Nhưng những gì diễn ra tiếp theo mới rất thú vị.

Nhiều năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling vào năm 1982. Lần đầu tiên, ông Kelling nhắc tới lý thuyết "Hiệu ứng cửa sổ vỡ". Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác để thực hiện tội ác.

Lý thuyết này thực sự rất dễ hiểu. Chẳng hạn, hành lang vốn dĩ rất sạch sẽ, nhưng nếu ai đó ném túi rác vào góc tường và không được dọn dẹp kịp thời, một vài túi rác sẽ sớm trở thành bãi rác lớn. Lâu dần hành lang sẽ trở thành nơi tập kết rác và trở nên hôi hám, bẩn thỉu. Đây chính là "Hiệu ứng cửa sổ vỡ". Ban đầu chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, vấn đề sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng.

Về việc học trước chương trình lớp 1, không phụ huynh nào muốn con mình thua kém người khác khi mới vào lớp 1. Thua kém trong việc học những năm đầu có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, và kéo dài trong những năm sau.

Từ "Hiệu ứng cửa sổ vỡ", chúng ta có thể nhận thấy nếu chỉ cần 1 bé học trước chương trình và nổi trội hơn các bạn khác, sẽ dẫn đến việc cả lớp hùa theo. Điều này cũng áp dụng với vấn nạn học thêm dạy thêm hiện nay.

Sức ép đồng trang lứa

Tính cạnh tranh trong trường học, sức ép đồng trang lứa là nguyên nhân gốc rễ của các hiện tượng trên. Ngày nào phụ huynh và nhà trường còn đặt trọng tâm quá nhiều vào điểm số, chạy đua thành tích để đánh giá học sinh thì còn tiếp diễn việc dạy thêm học thêm, học trước chương trình lớp 1 tràn lan.

Học trước chương trình lớp 1: Hiệu ứng cửa sổ vỡ - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 trong giờ học tiếng Việt

TNO

Trong lý thuyết quản trị phương Tây, có một khái niệm nổi tiếng "You get what you measure", (bạn đặt ra tiêu chí đo lường thế nào thì bạn đạt được kết quả thế ấy) có thể được dùng để nói về lỗ hổng trong nhận thức của con người. Nếu chúng ta chỉ tập trung sự chú ý vào một số khía cạnh nhất định thì sẽ bỏ quên nhiều cái khác (điểm mù trong nhận thức).

Những nhà quản lý giáo dục cần xem lại các tiêu chí đánh giá học sinh, đặc biệt ở giai đoạn tiểu học, học hỏi các hệ thống giáo dục phương Tây. Họ không quá đề cao vấn đề điểm số, mà tập trung vào sự phát triển của học sinh. Hạn chế chạy đua thành tích sẽ góp phần giảm tải áp lực cho học sinh, phụ huynh, giáo viên; giảm thiểu việc học thêm dạy thêm, hoặc học trước chương trình.

Hiện nay, áp lực học tập ở nhiều nước châu Á, như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn còn rất cao, khi thành công trong học tập và một tấm vé vào đại học và được xem là yếu tố quyết định sự thành công của học sinh.

Một yếu tố khách quan khác cần cân nhắc là thực trạng trường lớp quá tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Trường học xây mới không đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số cơ học; sĩ số mỗi lớp học khá đông, có khi lên tới gần 50 học sinh mỗi lớp. 

Ở bậc tiểu học và đặc biệt lớp 1, giáo viên cần có sự sát sao, hỗ trợ các bé nhỏ thích nghi với môi trường học đường, cầm tay rèn chữ cho từng bé. Với thời gian biểu hạn chế và sĩ số lớp đông, công việc của thầy cô giáo tiểu học sẽ vất vả hơn. Việc trẻ học trước chương trình lớp 1 sẽ giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.

Trong câu chuyện trẻ đi học thêm, học trước chương trình lớp 1, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ: sức ép đồng trang lứa, áp lực của hệ thống đánh giá theo điểm số, quá tải sĩ số ở các lớp tiểu học cùng nhiều bất cập trong chương trình tiểu học hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.