U.13 Nutifood giao hữu với U.13 Kawasaki Nhật Bản năm 2017 |
Học viện bóng đá Nutifood JMG thông báo kỳ tuyển sinh khóa 3 trên toàn quốc, từ ngày 6.5 - 2.7, là cơ hội cho những bé nam sinh năm 2010 - 2011 tranh tài để chạm vào giấc mơ theo nghiệp bóng đá. Đặc biệt, nếu thí sinh trúng tuyển vào học viện sẽ được đài thọ mọi chi phí.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, 3 năm đầu trong 7 năm đào tạo với bản quyền từ JMG toàn cầu, học viên được cân bằng việc học văn hóa và tập luyện theo đúng độ tuổi: sáng học, chiều tập. Chăm sóc dinh dưỡng được đặc biệt chú trọng vì đây là khoảng thời gian “vàng” để phát triển thể hình, thể trạng cho học viên.
Khóa 1 tập chân trần |
Các học viên sẽ được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng thể thao, từ khẩu phần, nguồn thức ăn chất lượng, sản phẩm bổ trợ chuyên biệt từ Thụy Điển với chi phí trung bình 700 triệu đồng/cầu thủ/năm.
Trong 4 năm tiếp theo, khi cầu thủ mang giày thì học viện Nutifood JMG sẽ đầu tư thêm hàng loạt khoản chi khác phục vụ cho huấn luyện, thi đấu giao hữu, tham gia các giải đấu quốc gia, kiểm tra sức khỏe, trang phục, dụng cụ thi đấu, học từ ngoại ngữ đến văn hóa, kỹ năng mềm... trung bình 1.5 tỉ đồng/cầu thủ/năm.
Dạy văn hóa Khóa 1 |
Như vậy, ước tính chi phí của mỗi cầu thủ sau 7 năm ở học viện là 8 tỉ đồng, tổng cộng hơn 240 tỉ đồng cho 1 khóa 30 cầu thủ, chưa tính phí bản quyền đào tạo của JMG và những khoản y tế điều trị chấn thương phát sinh.
"Siêu nhân" Trần Gia Huy được xem là một trong những thành công điển hình của học viện Nutifood JMG với 7 tỉ đồng cho 7 năm để cải thiện chiều cao. Hay Nguyễn Tấn Phát bị chấn thương cột sống phải mổ 5 lần với chi phí hơn 1 tỉ đồng bên cạnh nhiều cầu thủ bị các bệnh lý khác như cận thị, tim mạch bẩm sinh... được tài trợ chữa trị.
Cầu thủ tốt nghiệp đại học |
Ngoài ra, học viện Nutifood JMG còn có chính sách đưa học viên đi tu nghiệp tại châu Âu, ở những quốc gia có nền bóng đá phát triển như Anh, Đức, Pháp… để các em có cơ hội cọ xát và tiếp xúc với tinh hoa bóng đá thế giới. Chi phí một chuyến xuất ngoại như vậy không dưới 7 tỉ đồng cho cả đội.
Phó chủ tịch Nutifood Lê Nguyên Hòa cho biết học viện là trung tâm đào tạo phi lợi nhuận nhằm cống hiến những cầu thủ chất lượng cho nền bóng đá quốc gia. Đó là lý do học viện Nutifood JMG chú trọng hài hòa và cân bằng nhất ở giai đoạn căn cơ, không ngại bỏ ra hàng trăm tỉ đồng cho mỗi khóa để có được lứa cầu thủ toàn diện nhất.
Đối với bóng đá Việt Nam, cứ mỗi trung tâm tuyển sinh là một cơ hội quý, vì tài chính luôn là rào cản lớn. Do vậy, việc học viện Nutifood JMG là một trong những lò đào tạo toàn diện từ văn hóa đến chuyên môn với chi phí 0 đồng thực sự đáng quý. Đây là tin vui cho bóng đá Việt Nam, để chúng ta có thể kỳ vọng các đội tuyển quốc gia sẽ có thêm sự lựa chọn đầu vào chất lượng và bền vững.
Bình luận (0)