Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; GS - TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Võ Văn Phuông, Phó trưởng ban Thường trực - Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam; cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị khu vực II qua các thời kỳ…
Tại lễ kỷ niệm, PGS - TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Trường Đảng Miền Nam (nay là Học viện Chính trị khu vực II) qua các thời kỳ; trình bày phương hướng, nhiệm vụ chính trị, đào tạo của Học viên hiện tại và trong thời gian tới.
|
Theo PGS - TS Phạm Minh Tuấn, 70 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên tự hào tiếp nối truyền thống Trường Đảng Miền Nam, luôn ý thức trách nhiệm trước Đảng, đổi mới liên tục trên các lĩnh vực hoạt động, không ngừng hoàn thiện để thực sự là trung tâm uy tín về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội tại khu vực Nam bộ; tiếp tục phát huy truyền thống là cái nôi đào tạo 5 chuyên ngành lý luận chính trị đó là triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị, xây dựng đảng và lịch sử đảng.
|
Cùng với nhiệm vụ then chốt xây dựng văn hóa trường Đảng, để góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Học viện Chính trị khu vực II tập trung vào một số định hướng: Tập trung nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách biện chứng, sáng tạo và cầu thị; đồng thời phòng, chống có hiệu quả các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
|
Học viện Chính trị khu vực II đặc biệt quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Cần phải nhận thức sâu sắc Học viện là trường Đảng có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Đồng thời, Học viện Chính trị khu vực II đặc biệt chú trọng thực hiện có kết quả chỉ đạo của GS - TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Trong mọi hoàn cảnh, Học viện luôn kiên định giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái; bảo vệ và phát triển những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Ðảng”.
Với truyền thống vẻ vang, Học viện Chính trị khu vực II từng vinh dự đón nhận nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen… Dịp này, Học viện Chính trị khu vực II vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
|
Lịnh sử 70 năm Học viện Chính trị khu vực IINăm 1949, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ căn cứ tình hình thực tế, quyết định mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể. Quyết định của Xứ ủy Nam Bộ đã đưa đến việc thành lập Trường Đảng miền Nam - là trường lý luận chính trị chính quy đầu tiên của Trung ương tại Nam Bộ.
Tháng 9 năm 1949, khóa I của Trường khai giảng tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Các vị lãnh đạo Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Bạch đến dự khai giảng, Xứ ủy Nam bộ trực tiếp chỉ định ông Nguyễn Văn Kỉnh (Nguyễn Thượng Vũ), Phó bí thư Xứ ủy làm Trưởng ban Điều hành trường. Năm 1961 và 1974 - 1975, Trường vinh dự được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp làm Hiệu trưởng.
Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, triển khai thực hiện Chỉ thị số 231-CT/TW ngày 13.7.1976 của Ban Bí thư về công tác giáo dục lý luận chính trị ở miền Nam trong giai đoạn mới, các trường Đảng miền Nam được thành lập như: Trường Nguyễn Ái Quốc VII, Trường Nguyễn Ái Quốc VIII (năm 1983 đổi thành Trường Nguyễn Ái Quốc II), Trường Nguyễn Ái Quốc IX, Trường Tuyên huấn Trung ương III và Trường Tổ chức - Kiểm tra Trung ương II; năm 1983 thành lập Trường Tuyên huấn Trung ương II trên cơ sở hợp nhất Trường Nguyễn Ái Quốc IX và Trường Tuyên huấn Trung ương III.
Trong giai đoạn lịch sử này, ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nước, Trường Nguyễn Ái Quốc VII (đổi tên thành Trường Chính trị K từ năm 1979 đến năm 1983) được Trung ương giao nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện của nước bạn. Trong 10 năm giúp bạn, Trường đã mở được 41 lớp (ngắn hạn, dài hạn) đào tạo, bồi dưỡng cho 4.661 học viên Campuchia.
Từ năm 1990, các trường: Nguyễn Ái Quốc VII, Nguyễn Ái Quốc II, Tuyên huấn Trung ương II, Tổ chức Kiểm tra - Trung ương II được hợp nhất thành Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II.
Từ năm 1990 đến nay, trường đã đổi nhiều tên khác nhau, như: Phân viện TP.HCM (năm 1993); Học viện Chính trị khu vực II (năm 2005); Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II (năm 2008); Học viện Chính trị khu vực II (từ năm 2014 đến nay).
70 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên tự hào tiếp nối truyền thống Trường Đảng miền Nam, luôn ý thức trách nhiệm trước Đảng, đổi mới liên tục trên các lĩnh vực hoạt động, không ngừng hoàn thiện để thực sự là trung tâm uy tín về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội tại khu vực Nam bộ.
|
Bình luận (0)