Học viện Chính trị khu vực II và sứ mệnh ưu tiên hàng đầu

13/11/2019 07:46 GMT+7

Trường Đảng Miền Nam từ khi thành lập (1949) đã gắn liền với công cuộc thống nhất, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Từ năm 1990 đến nay, trường đổi nhiều tên khác nhau và từ năm 2014 đến nay chính thức có tên gọi là Học viện Chính trị khu vực II.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đảng Miền Nam - Học viện Chính trị khu vực II (Học viện II), PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện II, về nhiệm vụ xây dựng văn hóa trường Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
PGS-TS Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Với bề dày truyền thống 70 năm, Học viện II luôn coi trọng, củng cố và không ngừng vun đắp văn hóa trường Đảng; nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục, học thuật hiện đại, hội nhập mang đậm nét bản sắc trường Đảng. Năm nay là năm thứ 15 Học viện II kiên trì xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, chống “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức” trong các mặt hoạt động, đặc biệt là trong học tập và thi cử. Chúng tôi luôn mong muốn, học viên của Học viện II sau khi hoàn thành khóa học không chỉ được trang bị đầy đủ về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị mà còn là tấm gương về trách nhiệm, sự tu dưỡng đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới của đất nước”.

PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện II

Ảnh: Ngọc Dương

Phát huy văn hóa trường Đảng

* Thưa PGS-TS, để đạt được mục tiêu là học viên của Học viện II không chỉ được trang bị đầy đủ về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị mà còn là tấm gương về trách nhiệm, sự tu dưỡng đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới, học viện đã thực hiện những nhiệm vụ then chốt nào?
- PGS-TS Phạm Minh Tuấn: Nhằm phát huy vai trò văn hóa trường Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26.10.2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Nghị quyết số 13-NQ/ĐU ngày 7.2.2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy học viện về tăng cường kỷ cương, kỷ luật ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, song song với việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, học viện đã ban hành kế hoạch và chương trình hành động về xây dựng văn hóa trường Đảng.
Từ đó, xác định và khẳng định rõ giá trị văn hóa cốt lõi của trường Đảng là môi trường sư phạm mang tính Đảng sâu sắc, là cách ứng xử, mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa đồng chí, đồng nghiệp, giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên với tư cách là học viên khi tham gia rèn luyện tại học viện, được thể hiện thông qua tinh thần trách nhiệm đối với công việc chung, không tham ô lãng phí. Giá trị văn hóa trường Đảng còn được thể hiện ở những tấm gương về tư tưởng, đạo đức, tác phong mà mỗi cán bộ, đảng viên học tập và rèn luyện theo.
Học viện Chính trị khu vực II và sứ mệnh ưu tiên hàng đầu

Cán bộ Trường Đảng Miền Nam (1964 - 1975) tại căn cứ T.Ư Cục Miền Nam - Tân Biên, Tây Ninh

Ảnh: Tư liệu

Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Từ năm 2017, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đã tiến hành xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban để chuẩn bị công tác tổ chức các hoạt động, sự kiện.
Từ ngày 15 - 16.11 tới đây, Học viện II sẽ tổ chức khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Nguyễn Ái Quốc Miền Nam tại di tích Căn cứ T.Ư Cục Miền Nam (Tây Ninh); Tọa đàm “Định hướng và giải pháp phát triển Học viện Chính trị khu vực II”; Gala kết nối các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên với chủ đề “Ngày trở về” và đặc biệt là lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Đảng Miền Nam và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
* Đào tạo, huấn luyện cán bộ là "công việc gốc" của Đảng. Học viện có những định hướng, tổ chức hoạt động, nghiên cứu lý luận gì để góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa PGS-TS?
- PGS-TS Phạm Minh Tuấn: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong số những nội dung mà Người đặc biệt quan tâm, nhắc nhở. Để góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Học viện II tập trung vào một số định hướng: Tập trung nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách biện chứng, sáng tạo và cầu thị; đồng thời phòng, chống có hiệu quả các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đôi nét về lịch sử Học viện Chính trị khu vực II

Năm 1949, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ căn cứ tình hình thực tế, quyết định mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể. Quyết định của Xứ ủy Nam bộ đã đưa đến việc thành lập Trường Đảng Miền Nam - là trường lý luận chính trị chính quy đầu tiên của T.Ư tại Nam bộ.
Tháng 9.1949, khóa I của trường khai giảng tại xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Bạch đến dự khai giảng, Xứ ủy Nam bộ trực tiếp chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (Nguyễn Thượng Vũ), Phó bí thư Xứ ủy, làm Trưởng ban Điều hành trường. Năm 1961 và giai đoạn 1974 - 1975, trường vinh dự được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp làm Hiệu trưởng.
Trường Đảng Miền Nam từ khi thành lập đã gắn liền với công cuộc thống nhất, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ năm 1990 đến nay, trường đã đổi nhiều tên khác nhau, và từ năm 2014 đến nay chính thức có tên gọi là Học viện Chính trị khu vực II.
70 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên tự hào tiếp nối truyền thống Trường Đảng Miền Nam, luôn ý thức trách nhiệm trước Đảng, đổi mới liên tục trên các lĩnh vực hoạt động, không ngừng hoàn thiện để thực sự là trung tâm uy tín về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội tại khu vực Nam bộ.
 
Đối với giải pháp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gắn liền công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học viện chú trọng công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng, có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, có phương pháp sư phạm và am hiểu thực tiễn; đội ngũ các nhà khoa học của học viện chú trọng công tác tổng kết thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận...; tiếp tục phát huy truyền thống là cái nôi đào tạo 5 chuyên ngành lý luận chính trị đó là triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị, xây dựng Đảng và lịch sử Đảng.
Học viện II đặc biệt quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Cần phải nhận thức sâu sắc học viện là trường Đảng có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Đồng thời đặc biệt chú trọng thực hiện có kết quả chỉ đạo của GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Trong mọi hoàn cảnh, học viện luôn kiên định giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái; bảo vệ và phát triển những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Ðảng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.