Học viện Kỹ thuật quân sự muốn mở lại hệ dân sự, đào tạo ngành chip bán dẫn

13/12/2023 21:35 GMT+7

Làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Học viện Kỹ thuật quân sự bày tỏ sự sẵn sàng triển khai đào tạo hệ dân sự đối với một số chuyên ngành kỹ thuật, đồng thời chuẩn bị để đào tạo kỹ sư thiết kế chip bán dẫn.

Chiều nay 13.12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến làm việc tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Cùng dự buổi làm việc có thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Trong buổi làm việc, Học viện Kỹ thuật quân sự bày tỏ sự sẵn sàng triển khai đào tạo hệ dân sự đối với một số chuyên ngành kỹ thuật, đồng thời chuẩn bị để đào tạo kỹ sư thiết kế chip bán dẫn.

HV Kỹ thuật quân sự muốn mở lại hệ dân sự, đào tạo ngành chíp bán dẫn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại buổi làm việc với Học viện Kỹ thuật quân sự

QUÝ HIÊN

Theo thiếu tướng Lê Minh Thái, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, học viện hiện tổ chức đào tạo 51 chương trình đào tạo kỹ sư quân sự dài hạn thuộc 15 ngành, đào tạo thạc sĩ với 28 chuyên ngành thuộc 17 ngành, đào tạo tiến sĩ với 23 chương trình đào tạo chuyên ngành thuộc 15 ngành. 

Ngoài ra, học viện có 9 ngành đào tạo hệ dân sự, nhưng từ năm 2019 đã dừng tuyển sinh hệ dân sự. Với mục tiêu đào tạo là "sĩ quan - kỹ sư - đảng viên", học viên tốt nghiệp học viện phải đáp ứng 5 chuẩn đầu ra: kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng CNTT, năng lực chỉ huy và tác phong quân nhân, sức khỏe và rèn luyện thể lực.

HV Kỹ thuật quân sự muốn mở lại hệ dân sự, đào tạo ngành chíp bán dẫn - Ảnh 2.

Thiếu tướng Lê Minh Thái, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự

QUÝ HIÊN

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, học viện đề ra 4 nhiệm vụ chính, trong đó nhấn mạnh việc làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai đào tạo hệ dân sự đối với các chuyên ngành kỹ thuật gắn liền với công nghệ nền, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước và quân đội.

Đồng thời, học viện cũng sẽ chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng triển khai đào tạo kỹ sư thiết kế chip bán dẫn khi được Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn theo định hướng của Nhà nước; nhất là việc nghiên cứu, thiết kế chip bán dẫn, chip bảo mật cho các loại vũ khí trang bị hiện đại, phục vụ an ninh quốc phòng.

Thiếu tướng Lê Minh Thái đề xuất: "Hiện nay, Học viện Kỹ thuật quân sự có đủ năng lực về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Vì vậy, học viện kính đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm, tạo điều kiện để học viện triển khai nhiệm vụ đào tạo về ngành công nghiệp chip bán dẫn".

Liên quan tới đề xuất trên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết không chỉ với đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn, Học viện Kỹ thuật quân sự còn có thế mạnh ở những lĩnh vực khác rất được ưu tiên đào tạo hiện nay, chẳng hạn như về trí tuệ nhân tạo.

HV Kỹ thuật quân sự muốn mở lại hệ dân sự, đào tạo ngành chíp bán dẫn - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, phát biểu tại buổi làm việc

QUÝ HIÊN

Còn đào tạo lĩnh vực chip bán dẫn là một lĩnh vực mà Việt Nam chưa có thế mạnh, thì Bộ GD-ĐT tin tưởng Học viện Kỹ thuật quân sự là một trong những đơn vị đào tạo tốt giai đoạn hiện nay trong toàn hệ thống. 

"Chúng tôi rất ủng hộ và sẽ trình với bộ trưởng để đưa Học viện Kỹ thuật quân sự vào danh sách một trong những đơn vị đào tạo nòng cốt trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chip bán dẫn (kế hoạch này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tương lai gần - PV)", bà Thủy nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch mở lại hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, với đội ngũ rất mạnh của Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay (1.153 cán bộ giảng dạy, trong đó có 499 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 81 GS và PGS), nếu chỉ đào tạo một số lượng chỉ tiêu rất nhỏ nhân lực phục vụ quân đội thì chưa phát huy được nguồn lực. Vì thế, việc mở rộng chỉ tiêu đào tạo cho hệ dân sự sẽ khiến các thầy cô có thêm động lực để phấn đấu, và điều này sẽ mang đến sức sống mới cho hoạt động đào tạo - nghiên cứu của học viện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.