Thông tin môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, học sinh từ lớp 2 sẽ học xác suất và thống kê đang khiến dư luận tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đừng vội phê phán mà cần phải biết học sinh sẽ học nội dung gì.
Học sinh có học quá nặng?
Theo nội dung và yêu cầu cần đạt môn toán lớp 2 trong chương trình GDPT mới, một số yếu tố thống kê sẽ là: thu thập, phân loại, sắp xếp các số liệu (làm quen việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê trong một số tình huống đơn giản; đọc biểu đồ tranh (đọc và mô tả được các số liệu ở dạng biểu đồ tranh); nhận xét về các số liệu trong biểu đồ tranh (nêu được một số nhận xét đơn giản về biểu đồ tranh).
Như vậy, những nội dung của xác suất, thống kê trong môn toán lớp 2 không quá phức tạp mà với mục đích để học sinh làm quen về kiến thức lĩnh vực này.
Theo GS Đỗ Đức Thái, chủ biên môn toán trong chương trình GDPT mới, về nội dung, chương trình môn toán xoay quanh ba mạch kiến thức: Số, đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất. Chương trình được thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như vật lý, hoá học, sinh học, địa lý, tin học, công nghệ, lịch sử, nghệ thuật,... Chương trình môn toán còn thực hiện tích hợp nội môn và liên môn thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm trong giáo dục toán học.
Theo GS Thái, các nội dung dạy môn toán cho học sinh lớp 2 cũng chỉ nằm trong Giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1 - 9), giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 - 12) giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong thực tiễn, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời...
Rất cần trong kỷ nguyên số
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc vận hành của VietAI (trí tuệ nhân tạo Việt), khẳng định nếu học sinh không có kỹ năng phân tích và giỏi về thống kê thì chắc chắn chúng sẽ là bị "mù chữ kiểu mới" trong kỷ nguyên số. Chúng ta mới đang đọc và từng bước tìm hiểu xem dữ liệu lớn (Big Data), chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo sẽ làm gì cho cá nhân, doanh nghiệp của mình, thì Bộ GD-ĐT đã hoàn thành chương trình đào tạo mới, giúp cho những công dân tương lai của chúng ta tự tin bước vào kỷ nguyên số. Đây là một bước cải tiến, là sự "ghi điểm" của Bộ.
"Chương trình giáo dục phải xây dựng theo từng độ tuổi, tạo sự thích thú, tò mò và thử thách cho học sinh... chứ không theo khung cứng, nhồi nhét, quá tải... Tôi tin là những người làm chương trình, chính sách giáo dục đã nhìn ra... Tuy nhiên, thay vì suy nghĩ, tiếp cận kỹ thuật theo tư duy thế hệ của mình thì chúng ta phải tiếp cận theo thế hệ học sinh hiện nay và tương lai, những con người khi sinh ra trong tay đã cầm iPhone 11 hay 101", ông Cảnh nói.
Cũng theo ông Cảnh, thay vì dạy xác suất và thống kê từ lớp 2, chúng ta hãy dạy cái nền "kỹ thuật" có tính sinh tồn (như biết bơi, đi xe đạp), kỹ năng và kiến thức nền cho thế giới hiện tại và tương lai.
Bình luận (0)