Hội An, Đà Lạt chính thức được 'xướng tên' trong mạng lưới thành phố sáng tạo

31/10/2023 18:07 GMT+7

Sau Hà Nội, thêm hai thành phố nữa của Việt Nam được công nhận danh hiệu 'thành phố sáng tạo của UNESCO' là Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc và Hội An trong lĩnh vực thủ công, nghệ thuật dân gian.

Chiều 31.10, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên mạng lưới này trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Việc được "xướng tên" trong mạng lưới thành phố sáng tạo là một vinh dự lớn và niềm tự hào của người dân TP.Hội An nói riêng, của tỉnh Quảng Nam và Việt Nam nói chung.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Sáng mai (1.11), TP.Hội An sẽ tổ chức đoàn diễu hành chào mừng thành phố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Hội An chính thức được 'xướng tên' trong mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 1.

Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An) đang chế tác

NAM THỊNH

Tính đến tháng 10.2022, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, qua quá trình thẩm định hết sức chặt chẽ của ban thư ký và các thành phố thành viên về hồ sơ cũng như các hoạt động thực tiễn, Hội An chính thức được công bố là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội, cũng là lĩnh vực được TP.Hội An bảo tồn, phát huy hiệu quả trong thời gian qua. TP.Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó, có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội An chính thức được 'xướng tên' trong mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 2.

Nghề mộc Kim Bồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

NAM THỊNH

Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức. Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công, nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500 - 4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

Điều kiện thuận lợi cho Hội An định vị thương hiệu

Hội An còn là mảnh đất có sức hút mạnh mẽ, mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sĩ trong và ngoài nước đến sinh sống, sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu, hàm lượng sáng tạo…

Ông Lanh cho rằng, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho TP.Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo nhằm phát triển bền vững.

Ngoài ra, TP.Hội An sẽ được mở rộng mối quan hệ, gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị tốt đẹp từ các chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của địa phương.

Hội An chính thức được 'xướng tên' trong mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 3.

Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho TP.Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo

NAM THỊNH

Đáng chú ý, các nguồn lực, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hội An cũng sẽ được phát huy tối đa, đúng hướng; là cơ sở để thành phố tập trung vào công tác giới thiệu hình ảnh địa phương và các chính sách bảo tồn, phát triển lĩnh vực văn hóa sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, TP.Hội An còn có cơ hội huy động các nguồn lực, tri thức, sự sáng tạo để tập trung cho các hoạt động thủ công, nghệ thuật dân gian và các lĩnh vực khác; mở ra các cơ hội học tập, giáo dục, nhân rộng mô hình sáng tạo, tạo tiền đề cho hoạt động khởi nghiệp.

Phó chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, được công nhận thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là danh hiệu mà còn là mục tiêu phấn đấu, thực hành các cam kết và mang lại các giá trị, lợi ích cho cộng đồng của địa phương.

Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn đối với TP.Hội An. Để thực hiện cam kết đối với mạng lưới, TP.Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến cũng như kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.

Đà Lạt - Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc

Đối với Đà Lạt, trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui, ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố Đà Lạt mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc, sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.