Hội An có gì ngoài phố cổ?

20/01/2018 11:00 GMT+7

Với tầm nhìn trở thành “Điểm đến hấp dẫn nhất miền Trung, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á năm 2020”, Hội An sẽ bổ sung nhiều “đặc sản du dịch” độc đáo để tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

Bài toán “hai tăng” - nút thắt cho sự bứt phá về du lịch
“Hai tăng” là bài toán không chỉ đặt ra cho riêng Hội An mà còn là mục tiêu chung của ngành du lịch nước nhà. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2017, Việt Nam đã lập kỳ tích đón hơn 13 triệu lượt khách quốc tế, đứng vào vị trí 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới.
Mặc dù tăng trưởng lượng khách, nhưng theo các chuyên gia, đây chưa phải là tin mừng nếu mức chi tiêu và thời gian lưu trú trung bình của du khách không tăng. Trên thực tế, tổng chi tiêu trung bình cho một chuyến đi của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 là 1.114,4 USD/khách/chuyến, đã giảm so với mức 1.283,3 USD/khách/chuyến năm 2004. Đây là một nghịch lý, bởi tại khu vực và trên thế giới, mức chi tiêu trung bình của du khách chỉ tăng chứ không giảm.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2014, chi tiêu trung bình của khách tại Việt Nam là 102 USD/ ngày, thấp hơn mức 150 USD/ngày của Thái Lan và mức 153 USD/ngày của Singapore. Thời gian lưu trú thấp cũng là con số đáng trăn trở, khi mức bình quân cả nước chỉ đạt 1,9-2 ngày/lượt khách.
Để “kỳ tích” tăng lượng khách thực sự mang lại “số” cho ngành du lịch là câu chuyện dài hơi. Ở đây cần nhắc đến vai trò của Hội An - vùng đất chỉ chiếm 0,3% lãnh thổ nhưng đóng góp đến 25% tổng lượng du khách quốc tế. Con số đóng góp của phố Hội cho thấy nếu Hội An giải được bài toán “hai tăng” sẽ kéo theo sự cải thiện tích cực cho bức tranh chung.
2018 - năm “sân khấu” thuộc về phố Hội?
TripAdvisor - chuyên trang du lịch uy tín thế giới đã gọi Hội An là hình mẫu được bảo tồn của một thương cảng Đông Nam Á sầm uất giai đoạn thế kỷ 15 - 18. Trong hơn 400 năm, cảng thị đầu mối của Con đường tơ lụa huyền thoại đã được bồi đắp lớp trầm tích lịch sử - văn hóa sâu dày bao gồm hơn 1.000 di tích, di sản vật thể và phi vật thể giá trị. Việc lưu giữ nét xưa trên từng mái chùa, mái ngói âm dương, trong từng nếp sống truyền thống của người dân bên ô mắt cửa đã tạo nên nét quyến rũ riêng có của du lịch Hội An.
Trong kế hoạch phát triển đề ra vào năm 2015, thành phố Hội An đã đặt mục tiêu đến năm 2020 thu hút 3,09 triệu lượt khách, sáng tạo các sản phẩm du lịch đa dạng nhằm giảm tải cho khu phố cổ và giúp du khách kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu. Hiện nay, mặc dù chưa đến thời hạn 2020, phố Hội đã vượt chỉ tiêu ngoạn mục với 3,22 triệu lượt khách tham quan lưu trú trong năm 2017.
Thành tích này đến từ bước chuyển mình: năm 2017 đánh dấu nhiều hoạt động văn hóa, du lịch tầm cỡ được tổ chức tại vùng đất di sản văn hóa thế giới, thu hút lượng lớn du khách. Nổi bật là các sự kiện: Lễ hội ánh sáng, Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Cuộc thi Marathon quốc tế Hội An, chuỗi hoạt động diễn ra tại phố cổ nằm trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6…
Khi bổ sung những “đặc sản du lịch” ngoài di sản phố cổ, Hội An đã mở thêm nhiều cánh cửa để giải phóng tiềm năng của đô thị hàng trăm năm tuổi. Trong năm 2018, du lịch Hội An sẽ có thêm một cột mốc đáng nhớ, khi Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” chính thức khai trương trên hai hòn đảo lớn, nhỏ thuộc địa bàn hai phường Cẩm Châu, Cẩm Nam. Tại đây, không chỉ đưa du khách “xuyên không” về phố Hội 400 năm trước bằng phương pháp tái hiện không gian, chủ đầu tư GHA còn mang đến chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh quy mô lớn bậc nhất Việt Nam có chủ đề “Ký ức Hội An”.
Quy tụ hơn 500 diễn viên, biểu diễn trên sân khấu ngoài trời có diện tích lên tới 25.000 m2, “Ký ức Hội An” là con thuyền lớn đưa khán giả cập bến thương cảng Hội An của thế kỷ 16 - 17, thông qua nghệ thuật biểu diễn thực cảnh. Lần đầu tiên, du khách sẽ chạm đến một Hội An khác: Hội An của câu chuyện tình lãng mạn; một cảng thị quốc tế sầm uất mậu dịch, giao thương; một đô thị cổ với sự đa dạng văn hóa - kiến trúc từ các nền văn hóa lâu đời như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan; một Hội An duyên dáng, nên thơ; một Hội An hội nhập và tiếp thu để tạo nên những nét đẹp rất riêng của mình… mà chúng ta chẳng có thể tìm thấy ở đâu trên thế giới.
Sự ra mắt của Công viên “Ấn tượng Hội An” và chương trình biểu diễn “Ký ức Hội An” là những bổ sung mang tính dấu ấn vào quỹ “đặc sản du lịch” phố Hội, góp phần gia tăng thời gian trải nghiệm và mức chi tiêu của du khách. Không chỉ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, công viên và chương trình biểu diễn còn được nhìn nhận sẽ là một “bảo tàng sống” ý nghĩa cho văn hóa - lịch sử của vùng đất di sản thế giới trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.