Dự án có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An, thời gian thi công 360 ngày do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ. Các hạng mục tu bổ gồm: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; đồng thời, cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình. Bên cạnh đó, dự án cũng tiến hành số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ, tu bổ, hội thảo, lập hồ sơ khoa học, tôn tạo cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.
Chùa Cầu là biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An |
C.X |
Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… Theo phát biểu tại lễ khởi công trùng tu của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, di tích này là sự hội tụ, kết hợp hòa quyện các thành phần, các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, phương Đông - phương Tây, tạo nên một chỉnh thể đa dạng trong thống nhất, trở thành biểu tượng của Hội An. Với tuổi đời gần 400 năm, tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. “Mặc dù luôn được quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn với hơn 7 lần sửa chữa lớn nhỏ, nhưng đến nay di tích đã ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên yêu cầu đặt ra cần phải có giải pháp toàn diện để trùng tu”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Trung tâm quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trước khi tu bổ chùa Cầu, địa phương và ngành chức năng đã đánh giá hiện trạng kỹ thuật di tích kỹ lưỡng, được đặc biệt chú trọng từng chi tiết; tiến hành 2 đợt khoan địa chất để xác định kết cấu địa tầng, đánh giá khả năng gây lún móng và đo xung điện để đánh giá độ rung, tính ổn định của mố, trụ cầu…
Bình luận (0)