Một trong những điểm mới quan trọng của dự án luật về hội được Chính phủ trình Quốc hội vừa qua là vấn đề các hội sẽ đối mặt với thử thách 'tự sống' mà không cần đến ngân sách nhà nước.
Ngay tại diễn đàn Quốc hội tuần qua, đại biểu Lê Như Tiến (tỉnh Quảng Trị) đã nói thẳng: "Đừng biến hội thành các cơ quan hành chính nhà nước thứ hai”. Cũng theo đại biểu này, các hội chính trị - xã hội đã đành nhưng các hội nghề nghiệp cũng dùng ngân sách thì không ổn.
Trong các phương án được đưa ra có phương án xác định ngân sách nhà nước tiếp tục cấp kinh phí hoạt động cho 31 hội, gồm: 28 hội đặc thù có phạm vi hoạt động cả nước và 3 hội (Hội Xuất bản VN, Hội Khoa học lịch sử VN, Liên đoàn Luật sư VN).
Các hội, về bản chất là sự tự nguyện tham gia của các cá nhân vào một thỏa thuận chung để thực hiện một mục đích xã hội nào đó. Vậy nên, tính chất phi lợi nhuận và tính độc lập của các hội với nguồn ngân sách chính phủ là điều đương nhiên, khỏi cần bàn cãi. Trên thế giới, nhiều trường hợp các hội từ chối các nguồn tài trợ chính phủ hoặc liên chính phủ.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, từ trước đến nay, ở VN dường như có một quá trình ngược lại. Các mục đích xã hội tốt đẹp rất dễ được đặt vào phạm trù “cần phải làm” nên tự dưng kéo theo quan điểm chính phủ phải hỗ trợ cho những mục đích này. Vậy nên, các hội được lập ra vì những mục đích tốt đẹp cho xã hội mặc nhiên được hiểu là phải được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tính đến tháng 12.2014 cả nước có 52.565 hội, trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù. Thêm nữa, ở VN các hội cũng được đặt vào phạm trù “hội quần chúng”, mà lãnh đạo và quản lý quần chúng thì lại là một đòi hỏi gần như mang tính nguyên tắc đối với nhà nước VN. Theo logic đó, việc chi ngân sách hỗ trợ cho các hội cũng có vẻ là hoàn toàn hợp lý, là đương nhiên để thực hiện vai trò lãnh đạo và quản lý các hội. Nhất là khi điều đó lại nhân danh sự tốt đẹp chung của xã hội.
Cũng phải nói thêm về cách chi ngân sách cho các hội. Việc chi ngân sách theo kiểu phân bổ xin - cho vốn là một tập quán hành chính cố hữu về ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến thực tế các hội hằng năm sẽ chờ ngân sách được phân bổ để hoạt động. Việc thực hiện các mục đích xã hội của các hội có thể rơi vào tư duy “ký sinh” lên hệ thống ngân sách nhà nước vốn đang ngày càng trở nên eo hẹp.
Chúng ta nên mong đợi một cách chi ngân sách khác hơn cho các hội theo hướng cạnh tranh về năng lực thực hiện các vấn đề xã hội của các hội. Khi một đồng tiền thuế của dân dùng chi cho tiệc liên hoan tổng kết của một tổ chức hội nào đó hoặc chi “nối dài lương” cho cán bộ quản lý hội vốn là người nhà nước nghỉ hưu chuyển sang thì chưa nói đến chuyện ít hay nhiều, tự nó đã là việc không đúng.
Bình luận (0)