Hội chị em làm chuyện... ngược đời, chờ tàu cá về gọi 'O ơi! Qua lấy rác'

19/10/2022 12:19 GMT+7

Những chị em ở xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình ) có một cách làm rất lạ: rủ nhau đi xin rác thải trên tàu cá về làm thành đồ dùng tái chế, bán lấy tiền làm từ thiện.

Biến rác thải thành tiền

Vùng xã biển Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình), nơi gần như phần lớn nhà nào cũng đi biển, đánh bắt nguồn tài nguyên dồi dào mà biển cả ban tặng, từ đây suốt nhiều năm, họ ăn nên làm ra, xây nhà dựng cửa lo cho tổ ấm của gia đình từ con tôm, con cá...

Và cũng nhờ đó, họ đã trả ơn bằng cách xin rác thải từ tàu cá, hạn chế vất rác xuống biển để làm sạch môi trường.

Các chị em tại xã Bảo Ninh tái chế những tấm lưới bỏ đi của ngư dân thành những chiếc túi đựng đồ hữu dụng

Bá Hoàng

Đây là một hoạt động của hơn 50 chị em sống tại xã Bảo Ninh đang cùng chung tay thực hiện. Tháng 10.2021, sau khi lên ý tưởng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Ninh đã huy động nguồn vốn, mở lớp tập huấn về cách phân loại rác thải để triển khai cho các chị em trên địa bàn, ngay sau đó họ đã bắt tay vào việc.

Bà Lê Thị Thảo (53 tuổi, Chi Hội trưởng chi Hội phụ nữ thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh), một trong những thành viên tích cực nhất với hoạt động thu gom, tái chế rác thải có lúc chỉ trực chờ có tàu về để "xin" rác thải.

Bà Thảo luôn nhiệt huyết với công việc đi "xin" rác dù chẳng mang lại cho bà một đồng lương nào

Bá Hoàng

"Lo xong việc nhà, tôi lại chạy quanh xã hỏi xem có tàu nào về chưa để xin rác của họ mang về tái chế. Từ ngày xã triển khai chương trình, cá nhân tôi thấy việc làm này ý nghĩa quá, quyết dốc hết công sức để đi vận động mọi người cùng tham gia", bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, những rác thải như lưới đánh cá, có những tấm lưới to vài chục mét nhưng chỉ cần rách một phần nhỏ, ngư dân cũng không thể dùng nữa mà thường họ sẽ vất đi. Các chị em đã bày tỏ, xin lại những tấm lưới hoặc mua với giá rẻ rồi cắt ra và tái chế lại thành những chiếc túi dùng để đi chợ, đựng đồ đạc... rất hữu dụng và bảo vệ môi trường.

Sau khi nhận được rác thải, họ cùng tập trung lại để phân loại và xử lý

bá Hoàng

"Lưới là chúng tôi đi xin lại từ ngư dân, và sau khi làm xong sản phẩm tái chế, chúng tôi cũng đi phát lại cho ngư dân dùng để đựng rác trên thuyền. Cũng từ đó mà chúng tôi vận động được nhiều ngư dân tham gia, giữ rác lại đưa về, không bỏ lại trên biển", bà Thảo chia sẻ.

"O ơi! Qua lấy rác"

Đó là cuộc gọi mà nhiều chị em tại xã Bảo Ninh chờ đợi mỗi khi có tàu về. Chỉ cần một cuộc gọi từ ngư dân gọi đến lấy rác, là chị em ở xã Bảo Ninh vội chạy ra bến để nhận ngay lập tức.

Với các chị em tại xã Bảo Ninh, được người dân cho rác còn vui hơn được cho con tôm, con cá.

Bá Hoàng

Bà Lại Thị Hậu (thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh) cho biết khi triển khai chương trình này, các chị em gặp rất nhiều khó khăn khi ngư dân không tham gia, từ chối đưa rác về.

"Có những gia đình ban đầu họ không tham gia, chúng tôi đến ngỏ lời thì thẳng thừng bị từ chối. Vì trong một chuyến tàu nếu trúng cá, biết bao nhiêu việc phải lo hơi đâu mà gom rác đúng nơi đúng chỗ, nhưng sau những lần tái chế đầu tiên, đến nay đã có hơn 70% các ngư dân ở đây chung tay cùng các chị em bảo vệ biển", bà Hậu nói nói.

Chính vì thế, khi nhận được cuộc gọi đến lấy rác, các chị em luôn sẵn sàng bỏ ngang công việc đang làm để đến nhận rác, không để ngư dân phải loay hoay lâu với đống rác trên thuyền.

Rác trên thuyền có thể là tấm lưới rách, có thể là vỏ chai lọ, đồ nhựa... đã sử dụng mà ngư dân mang theo sử dụng trên tàu trong những chuyến đi dài ngày.

Bà Vân cùng chiếc túi tái chế do các chị em làm ra.

Bá Hoàng

Dù công việc không mang lại một đồng lương, một sự hỗ trợ nào cho các chị em, nhưng các chị em vẫn rất tâm huyết với hoạt động này. Với mỗi người ở đây, chung tay dọn sạch biển cũng chính là đang bảo vệ miếng cơm, đồng tiền của họ.

Các ngư dân đóng bản cam kết đưa rác về lên tàu của mình để nhắc nhở không để lại một vật dụng rác thải nào ở lại với biển cả.

Bá Hoàng

Để hoạt động này được kéo dài và trở thành một thói quen, những ngư dân nào tham gia, muốn có được túi tái chế đựng vật dụng sẽ kí vào một bản cam kết và đóng bản cam kết đó lên thành tàu. Hội phụ nữ xã Bảo Ninh cũng phối hợp với lực lượng biên phòng, thường xuyên nhắc nhở các ngư dân đem rác thải về, không để lại dưới đại dương dù chỉ là một cái tàn thuốc.

Đem bán rác, đi làm... từ thiện

Bên cạnh việc tái chế lại những tấm lưới rách thành túi đựng đồ, những loại rác như lon nước, vỏ nhựa, thùng xốp cũng được chị em phân loại rồi đưa đi bán, gây quỹ làm từ thiện.

Số tiền gây quỹ được từ rác thải đang được Hội Phụ nữ xã Bảo Ninh dùng vào công tác từ thiện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn

Bá Hoàng

Theo đó, sau gần 1 năm triển khai, hoạt động đã thu gom được gần 23.000 vỏ lon, chai nước, gần 200kg túi nilon và bán thu về hơn 30 triệu đồng. Số tiền trên đang được chị em phụ nữ gây quỹ hỗ trợ cho những ngư dân khó khăn, bị thiệt hại bão lũ, và đang hỗ trợ nhận nuôi 2 trẻ em có hoàn cảnh mồ côi trên địa bàn xã.

Và họ cũng không quên đem sản phẩm của mình đi khắp nơi để tặng với mong muốn nhân rộng mô hình ý nghĩa này

bá Hoàng

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bảo Ninh cho biết, hiện hội vẫn đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2, tiếp tục nhân rộng đến các thôn còn lại trên địa bàn xã và các phường khác trên địa bàn TP.Đồng Hới.

"Sau khi mang lại hiệu quả tích cực, mô hình tận dụng rác thải từ tàu biển của chị em phụ nữ xã Bảo Ninh đã được các phường giáp biển khác trên địa bàn TP.Đồng Hới thực hiện. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm nguồn vốn, mở các lớp tập huấn để nhân rộng hoạt động ý nghĩa này, góp phần lan tỏa, bảo vệ môi trường biển", bà Vân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.