Theo bác sĩ Phạm Thế Hiển, công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), hội chứng ống cổ tay (ảnh) là một hội chứng thường gặp trong lâm sàng khi dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay, theo bác sĩ Hiển là do hoạt động cổ tay liên tục sẽ làm màng bị viêm, xơ và dày lên theo thời gian, trong khi thể tích của ống cổ tay thì không đổi làm chèn ép dây thần kinh, không đủ máu lưu thông làm giảm chức năng dây thần kinh.
Biểu hiện thường gặp nhất ở những người bị hội chứng ống cổ tay là tê tay, dấu hiệu tê như kiến bò, kim châm, giống như lửa đốt, vùng tê chủ yếu phía ngón cái lan ra từ ngón áp út. Nặng hơn là không làm được những việc như cài nút áo, cầm đũa bị rớt, chạy xe máy phải dừng lại để lắc tay mới tiếp tục được.
Để chẩn đoán chính xác hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ thăm khám để biết vị trí chèn ép dây thần kinh, đo điện cơ và kết luận mức độ nặng nhẹ.
Nếu nhẹ sẽ dùng thuốc, nặng hơn phải chích thuốc để giảm sưng giảm viêm, nghiêm trọng hơn sẽ tiến hành phẫu thuật để làm rộng đường đi của dây thần kinh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân trong vòng 1 tuần có thể hoạt động lại, nếu đang ở giai đoạn sớm của hội chứng.
Khi thấy mình có những biểu hiện của hội chứng ống cổ tay như nêu trên, dễ thấy nhất là tê tay thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám và chẩn đoán đúng về bệnh. Nếu mắc hội chứng ống cổ tay sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thấp nhất hậu quả mà hội chứng để lại.
Theo bác sĩ Hiển, để hạn chế mắc phải hội chứng ống cổ tay, người lao động cần có những dụng cụ hỗ trợ ở vùng cổ tay để trợ lực, giảm sưng phù nề. Đặc biệt, đừng để bị hội chứng này quá lâu, hoặc đến mức độ nặng, khi đó thần kinh không đủ máu nuôi sẽ thoái hóa, nếu có phẫu thuật cũng chỉ làm chậm lại quá trình thoái hóa chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Bình luận (0)