Hội chứng 'sợ bị bỏ lỡ' là gì, mà sao nhiều người mắc phải?

17/06/2024 15:03 GMT+7

Cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet, thông tin được cập nhật ngày càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều bạn trẻ mắc phải hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ.

Hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ hay còn được biết đến với tên gọi là FOMO (Fear of miss out), một hội chứng rất phổ biến ở giới trẻ trong thời đại công nghệ số. 

Theo lý giải của thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Khoa Tâm lý của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, FOMO là một hội chứng tâm lý đề cập đến cảm giác lo lắng, bất an, thậm chí là ghen tị khi nghĩ rằng mình bị bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn mà người khác đang trải nghiệm. Từ đó, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và một số hành động "bộc phát" chưa được cân nhắc về hậu quả lâu dài.

Hội chứng 'sợ bị bỏ lỡ' là gì, mà sao nhiều người mắc phải?- Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ mắc phải hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ

THÁI PHÚC

Sợ "tụt hậu" hơn so với bạn bè

"Một trong những ví dụ điển hình nhất của người mắc hội chứng FOMO là việc chấp nhận lời mời tham dự một bữa tiệc mà họ không thực sự muốn chỉ vì sợ sẽ bị bỏ rơi khi bạn bè bàn tán về điều mà mình không biết vào ngày hôm sau", thạc sĩ Mộng Chi, chia sẻ.

Thạc sĩ Mộng Chi cũng cho biết người mắc phải hội chứng này thường có xu hướng mua sắm vô tội vạ vì sợ bản thân không bắt kịp xu thế, dù trên thực tế họ không có nhu cầu sử dụng những vật dụng đó. Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra mạng xã hội vì lo sợ sẽ bỏ lỡ thông tin, sự kiện đang được nhiều người quan tâm cũng là một biểu hiện của hội chứng này.

Nguyễn Như Khương, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Đầu năm 2024, mình từng muốn theo học lớp chụp ảnh cưới ở một studio. Nhưng sau khi thấy một trang tin điện tử tuyển cộng tác viên chụp ảnh thì mình liền thay đổi ý định. Dù mình cũng không hứng thú với lĩnh vực đó, nhưng vẫn quyết định theo đuổi vì muốn kiếm tiền và sợ nếu bỏ lỡ thì người khác sẽ nắm lấy cơ hội mất".

Kể lại trải nghiệm bản thân liên quan đến hội chứng FOMO, Phạm Nguyễn Thùy Dương (22 tuổi, ngụ tại tổ 10, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) chia sẻ: "Ngày trước, khi có một vụ bê bối nổ ra trên mạng, mình đều không thể rời tay khỏi điện thoại vì mình sợ sẽ bỏ lỡ thông tin quan trọng về sự việc đó".

Khi được hỏi thêm về lý do tại sao lại sợ bỏ lỡ những thông tin ấy, Thùy Dương cho biết bản thân không muốn bị tụt hậu và thiếu thông tin hơn so với bạn bè của mình.

Cũng mang tâm lý sợ bị bỏ lỡ, Nguyễn Võ Anh Sơn, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: "Năm hai đại học, khi thấy bạn bè đều tham gia một cuộc thi nên mình đã quyết định tham gia mặc dù khác chuyên ngành. Bên cạnh đó, khi thấy nhiều người cùng mua một quyển sách, dù chưa biết có cần dùng không, mình cũng quyết định mua theo".

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hội chứng tâm lý này, thạc sĩ tâm lý Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cắt nghĩa: "FOMO thường xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là khao khát đạt được những thứ tốt đẹp hơn trong cuộc sống nhằm cải thiện tình trạng hiện tại của bản thân. Thứ hai, là nhu cầu hòa nhập hay thuộc về một nhóm, cộng đồng cụ thể nhằm có cảm giác an toàn và được chấp nhận. Việc hòa nhập trong một cộng đồng sẽ giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn về giá trị của bản thân và đảm bảo mình sẽ không bị bỏ lại phía sau".

Có hay không mặt tích cực của FOMO?

Xoay quanh những tranh luận về những ảnh hưởng của hội chứng tâm lý FOMO đối với người trẻ, có nhiều ý kiến cho rằng điều này giống như "một con dao 2 lưỡi". Nếu chúng ta biết các cách tận dụng thì sẽ mang đến những tác động tích cực, ngược lại sẽ có suy nghĩ và hành vi không lành mạnh.

Hội chứng 'sợ bị bỏ lỡ' là gì, mà sao nhiều người mắc phải?- Ảnh 2.

Diệu Linh cho biết bản thân đã mắc phải hội chứng FOMO rất nhiều lần

NVCC

Đồng ý với quan điểm này, Trần Thị Diệu Linh (24 tuổi, ngụ tại P.14, Q.4, TP.HCM), cho biết: "Tuy FOMO khiến mình bị ám ảnh trong việc liên tục phải kiểm tra mạng xã hội, dẫn đến tâm lý căng thẳng nhưng nhờ thế mà đã giúp bản thân chú tâm, chỉn chu, chuyên nghiệp hơn trong công việc".

Lê Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bộc bạch: "Mình thấy FOMO có thể trở thành động lực thúc đẩy chúng ta cố gắng học tập, làm việc và đạt được thành công. Khi lo sợ bỏ lỡ những cơ hội, chúng ta sẽ có xu hướng nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu của mình".

Theo Lê Minh, hội chứng này đã giúp bạn có cơ hội mở rộng tầm nhìn và khám phá những điều mới mẻ. "Khi thấy người khác trải nghiệm những điều thú vị, chúng ta học hỏi và thử làm theo, từ đó có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ cho bản thân", Lê Minh chia sẻ.

Hội chứng 'sợ bị bỏ lỡ' là gì, mà sao nhiều người mắc phải?- Ảnh 3.

Lê Minh đang tham gia cuộc thi văn nghệ

NVCC

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý học Quang Thị Mộng Chi, cho biết: "Tất cả những định nghĩa từ các nhà nghiên cứu hiện nay về FOMO đều theo hướng không tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giấc ngủ và các mối quan hệ. Những kết quả nghiên cứu hiện nay cũng không ủng hộ cho quan điểm rằng FOMO đem lại lợi ích nào đó".

Theo thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi, hội chứng FOMO làm nhiều bạn trẻ cảm thấy những trải nghiệm của người khác luôn quan trọng, thú vị, tuyệt vời hơn của mình. Tâm lý này khiến họ tự ti, nhìn nhận về bản thân và cơ hội mình đang có luôn thấp hơn người khác, dẫn đến việc không biết trân trọng những gì mình đang có.

"Hơn hết, việc xây dựng thành công dựa trên nỗi sợ sẽ không có tính bền vững. Mỗi người trẻ nên dành thời gian thấu hiểu bản thân và có hành động cụ thể hướng đến các mục tiêu dựa trên sở thích và những điều mình thực sự cần thay vì chạy theo xu hướng cũng như lo sợ bỏ lỡ những trải nghiệm mà các bạn còn chưa chắc có phù hợp với mình hay là không", thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi cho biết.

"Gỡ" FOMO bằng giải pháp thiết thực

Theo thạc sĩ tâm lý học Bùi Vĩnh Nghi, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ hội chứng tâm lý FOMO thì chúng ta có thể tham khảo một số cách như sau:

1. Tập trung vào những thứ mình thật sự cần: Lựa chọn những gì bạn thực sự cần bao gồm việc biết điều gì quan trọng, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu và sau đó lập kế hoạch để đạt được điều đó.

2. Loại bỏ những điều không quan trọng: Khi đã xác định được các mục tiêu quan trọng của bản thân ở thời điểm hiện tại, việc tiếp theo là loại bỏ những cám dỗ ngăn chúng ta đạt được mục tiêu của chính mình. Đối với công nghệ, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Việc loại bỏ hoàn toàn công nghệ là điều tương đối khó, vì vậy hãy học cách sử dụng hợp lý để tối đa hoá công dụng mà những ứng dụng như: Facebook, TikTok, Instagram mang đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.