Tham dự buổi lễ có ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam, cùng nhiều cán bộ lãnh đạo Q.Hoàng Mai và gia đình các thân nhân liệt sĩ, đồng đội.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP.Hà Nội, cho biết buổi lễ nhằm phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn", thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những anh hùng đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.
Ôn lại truyền thống, ông Đính cho hay năm 1967, giặc Mỹ tăng cường thả bom từ trường xuống sông Hồng, sông Đuống hòng chặt đứt huyết mạch giao thông của Hà Nội. Ban chỉ đạo "vượt sông, thông tuyến" của thành phố lập tức được thành lập.
Để giữ vững mạch máu giao thông, mỗi chiến sĩ của Đội TNXP thủ đô N49 phải học những kỹ năng cơ bản như rà phá bom từ trường như công binh; sửa chữa, bảo dưỡng phao, lắp phao liên kết với nhau thành nhịp và lái máy để điều khiển tàu ca nô lai dắt phà như thợ kỹ thuật GTVT.
5 anh hùng liệt sĩ nằm lại đáy sông
Mỹ đánh bom ác liệt dọc bến Kim Lan - Khuyến Lương, trong khi xe quân sự từ Hải Phòng lên đây, ngụy trang và xếp hàng dài chờ qua sông. Ban chỉ huy chiến dịch "vượt sông, thông tuyến" lệnh cho Đại đội 1 bằng mọi giá phải đưa đoàn xe qua sông sớm nhất, tránh bị tổn thất.
Với tinh thần "sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí", các chiến sĩ kiên cường bám trụ, đưa xe sang sông. Xe đi ban đêm trên cầu phao không hết, phải tăng cường lái phà như con thoi, chở xe cả ban ngày dưới làn bom đạn địch.
Đoàn xe đã sang sông gần hết thì 15 giờ ngày 27.10.1967, địch thả bom trúng cầu phao. Cột nước cao dựng đứng, một nhịp cầu dài 50 m và tàu ca nô 180 mã lực chìm ngay tại chỗ.
6 người bị thương đã được đồng đội và ngư dân đưa vào bờ cấp cứu kịp thời. 5 người hy sinh gồm: Lê Phúc Dược (tiểu đội trưởng), Nguyễn Văn Đễ, Lương Văn Chỉnh, Ngô Văn Hội, cùng trú H.Đông Anh (Hà Nội) và Tạ Văn Minh (quê ở Hà Tây cũ) đã mãi mãi nằm lại đáy sông.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Trọng Kim cho biết các anh đã nằm lại đáy sông 56 năm. Đường xuống cầu phao năm xưa nay thành cảng Khuyến Lương nhộn nhịp xe chở hàng, hối hả phát triển kinh tế.
"Nơi các đồng chí hy sinh là nơi lưu dấu ấn đặc biệt của lực lượng TNXP để chúng ta nhớ lại công lao, sự đóng góp quan trọng, quý báu của lực lượng TNXP", ông Kim nghẹn ngào nói.
Bình luận (0)