Hội đồng kỹ năng ngành là gì mà giúp người học được hưởng lợi?

25/11/2022 16:27 GMT+7

Mô hình hội đồng kỹ năng ngành đã được áp dụng thành công ở nhiều nước phát triển giúp cho việc đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhưng ở Việt Nam mới chỉ đang thí điểm.

Sáng 25.11, tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2 diễn ra hội thảo “Vai trò của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành logistics (LIRC) trong việc thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam”. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Aus4Skills (Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia), nhằm đánh giá kết quả hoạt động của LIRC trong thời gian hơn 5 năm vừa qua.

Sinh viên ngành logistics

m.q

Có mặt tại hội thảo, ông Hoàng Thái Sơn, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC, cho biết: “Mô hình hội đồng kỹ năng ngành đã được áp dụng thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, với cách tiếp cận chung là hướng đến mục tiêu đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của bên sử dụng lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, mô hình này đang còn rất mới ở Việt Nam, về mặt pháp lý chỉ mới được đề cập trong Bộ luật Lao động năm 2019 và chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm dưới luật”.

Được biết, hội đồng tư vấn kỹ năng ngành logistics được thí điểm thành lập vào tháng 12.2017 nhằm tập hợp các bên liên quan đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, VCCI, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics. Hội đồng này có mục đích phát huy tiềm năng, xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Sơn, sau hơn 5 năm thành lập, kết quả hoạt động của LIRC là một minh chứng cho thấy mô hình hội đồng kỹ năng ngành ở các nước công nghiệp phát triển có thể điều chỉnh phù hợp và vận dụng hiệu quả với bối cảnh và điều kiện hiện tại của Việt Nam.

Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM), cũng đánh giá: “Có thể nói, hội đồng tư vấn kỹ năng ngành logistics đã góp phần phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành logistics, đồng thời đưa ra những đề xuất về việc xây dựng các chuẩn đầu ra quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế cho 5 nghề: nhân viên nhà kho, giám sát nhà kho, nhân viên hành chính logistics, nhân viên giao nhận và nhân viên xếp dỡ hàng tổng hợp. Từ đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham khảo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo”.

Là một trong những trường CĐ có đào tạo ngành logistics, PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, cho rằng các tiêu chuẩn nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự báo kỹ năng nghề logistics của LIRC rất có giá trị để các trường tham khảo xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với doanh nghiệp.

Ông Đặng Minh Sự chia sẻ tại hội thảo

mỹ quyên

Về vấn đề này, thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay hiện mới chỉ có một số ngành nghề thí điểm mô hình hội đồng tư vấn kỹ năng ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp.

“Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng có thể nhân rộng mô hình LIRC sang các ngành, lĩnh vực khác nhằm phát huy vai trò của “3 nhà” gồm nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Cuối cùng, người học vẫn được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, cần phải có đủ hành lang pháp lý, có nguồn và cơ chế kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của hội đồng tư vấn kỹ năng ngành”, ông Sự cho hay.

2,2 triệu người học nghề mỗi năm

Tại lễ khai mạc vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Kite 2022 sáng 25.11, ông Đỗ Năng Khánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết mỗi năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp (khoảng 1.900 trường CĐ, trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp) đào tạo khoảng 2,2 triệu người ở mọi lĩnh vực ngành nghề.

Trong đó, có khoảng 600.000 học sinh, sinh viên đang học ở hai hệ cao đẳng và trung cấp. Trình độ sơ cấp và các trình độ khác chiếm khoảng 1,6 triệu người theo học mỗi năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.