Hồi hộp khi bị mượn chuông quý

08/02/2014 03:00 GMT+7

Bảo tàng Thanh Hóa hiện đang quản lý hơn 27.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Tuy nhiên, những người làm công tác quản lý ở đây đang gặp những tình huống hết sức khó xử.

Bảo vật quốc gia nằm ở hành lang

 
Chuông chùa Mèo được mệnh danh là quả chuông “mịn như ngọc, tiếng vang như vàng” - Ảnh: N.M

Trong số hiện vật mà Bảo tàng Thanh Hóa đang lưu giữ thì bộ sưu tập những hiện vật liên quan Phật giáo hết sức đa dạng. Những hiện vật này được đưa về bảo tàng bằng nhiều nguồn khác nhau, như sưu tầm từ các chùa chỉ còn là phế tích, hoặc do các ngành chức năng bàn giao từ những vụ buôn bán, tàng trữ cổ vật trái phép. Có thể kể đến bộ sưu tập chuông chùa Phúc Khánh, Cổ Am (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), chuông chùa Cốc Hương (TP.Thanh Hóa), chuông chùa Mèo (H.Lang Chánh, Thanh Hóa). Bộ sưu tập đồ thờ, tượng thờ cũng hết sức phong phú, gồm các đỉnh đồng, lư hương ở thế kỷ 17 - 18.

Một điều hết sức đáng tiếc là do khó khăn về kinh phí cũng như không gian trưng bày, nên Bảo tàng Thanh Hóa hiện vẫn chưa thể trưng bày hết các cổ vật cho người dân chiêm ngưỡng. Dẫn chúng tôi đi thăm một số gian trưng bày cổ vật, bà Nguyễn Thanh Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa, phải liên tục giải thích rằng lẽ ra hiện vật này, hiện vật kia phải được trưng bày trang trọng hơn tại một vị trí ưu tiên trong bảo tàng, nhưng do kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên buộc lòng các cán bộ của bảo tàng phải xếp những hiện vật quý, kể cả những hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia nằm chung với vô số những hiện vật cùng chủng loại ít giá trị hơn… Cá biệt, có những bảo vật quốc gia như chiếc vạc đồng thời Lê Trung hưng vẫn phải nằm ở hành lang của bảo tàng vì to và nặng quá, các cán bộ của bảo tàng không có cách gì di chuyển vào phòng được.

Phấp phỏng chuyện “mượn” cổ vật

Trong số những chuông chùa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa thì chuông chùa Mèo là một hiện vật rất có giá trị và đang được Bảo tàng Thanh Hóa lập hồ sơ xét công nhận là bảo vật quốc gia. Do ngôi chùa đã trở thành phế tích nên chiếc chuông lưu lạc trong dân gian rồi đến tay những người buôn đồ cổ. Đến năm 1992, chuông chùa Mèo được Công an huyện Lang Chánh bàn giao cho Bảo tàng Thanh Hóa sau khi thu giữ tang vật từ một vụ buôn bán đồ cổ. Từ đó, chiếc chuông được trưng bày phục vụ công chúng và luôn được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Bà Nguyễn Thanh Hiền cho biết chuông chùa Mèo là một quả chuông lớn vào thời đó, đặc biệt chiếc quai chuông là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện trình độ, kỹ thuật đúc khắc đồng hết sức tinh tế và điêu luyện của người xưa. Hiện vật được làm ra hết sức tròn trĩnh, không có vết tu sửa, âm thanh ngân rất hay và vang rất xa. Trong dân gian còn truyền tụng đây là quả chuông “mịn như ngọc, tiếng vang như vàng”.

Những năm gần đây, chính quyền và người dân xã Quang Hiến đã đóng góp, xây dựng lại chùa Mèo trên nền phế tích cũ. Nhằm tạo điều kiện cho địa phương khôi phục lại nơi thờ tự đức Phật, Bảo tàng Thanh Hóa đồng ý cho chính quyền địa phương khảo sát, dập bài minh, đúc chuông chùa Mèo theo đúng phiên bản chuông cổ đang được lưu giữ tại bảo tàng. Chiếc chuông đã được đúc thành công và được ký hiệu là bản sao.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2014, UBND H.Lang Chánh lại đề nghị Bảo tàng Thanh Hóa cho mượn lại quả chuông để phục vụ lễ hội vào dịp đầu xuân Giáp Ngọ. Việc mượn chuông được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý, khiến những người làm công tác quản lý tại Bảo tàng Thanh Hóa hết sức bối rối. Nếu không cho địa phương mượn lại thì trái ý kiến chỉ đạo của cấp trên, cho mượn thì lại không đúng với các quy định về bảo quản và lưu giữ các hiện vật gốc tại bảo tàng. “Chúng tôi cũng hiểu người dân địa phương muốn chiêm ngưỡng lại quả chuông xưa, nhưng đây là hiện vật có giá trị và đang được chuẩn bị hồ sơ để đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia ở lần sắp tới. Việc bảo quản nó đang được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, vậy nên chúng tôi hết sức ái ngại khi di chuyển quả chuông về địa phương vào dịp này…”, bà Hiền lo lắng.

Cao Ngọ - Ngọc Minh

>> Thí sinh "gửi" ước nguyện kín cả chuông chùa
>> Tiếng chuông chùa trong sương
>> Tiếng chuông chùa giữa sóng nước Trường Sa
>> Nghệ nhân Huế đúc chuông chùa cho Nhật Bản
>> Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.