Hồi hộp xem thợ chẻ đá mồ côi trăm kg thành những miếng nhỏ chuẩn từng cm

31/01/2020 15:01 GMT+7

Tại hội thi chẻ đá đầu xuân , từ những hòn đá mồ côi nặng cả tạ, những người tham gia phải làm sao chẻ chúng thành những viên đá vuông vức, nhẵn nhụi như những viên gạch công nghiệp, số đo chuẩn từng cm…

Sáng 30.1 (mồng 6 Tết Canh Tý), UBND xã Gio Hòa (H.Gio Linh, Quảng Trị) đã tổ chức hội thi chẻ đá đầu xuân, thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách. Đây cũng là địa phương lâu nay được mệnh danh là “làng chẻ đá tìm cơm” ở Quảng Trị.
Theo ông Tạ Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã, nghề chẻ đá xuất hiện ở địa phương từ những năm 1975, khi người dân lên vùng đất bán sơn địa này lập nghiệp. Dần dần, nghề chẻ đá đã trở thành nghề chính của địa phương, tạo thu nhập ổn định và thương hiệu đá Gio Hòa cũng vang xa trong tỉnh cũng như khu vực miền trung.

Những hòn đá mồ côi nặng cả tạ được sử dụng trong hội thi

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Hội thi chẻ đá năm nay là lần thứ 7 liên tiếp chính quyền đứng ra tổ chức. Năm nay, có 6 đội tham gia, đến từ các công ty, các tổ hợp chuyên sản xuất đá đóng trên địa bàn xã.
“Hiện nay, với cơ chế thị trường, người dân làm bằng máy đục máy khoan cho năng suất lao động cao hơn, nhưng tại hội thi chúng tôi vẫn cho làm bằng tay, vì khi xuất phát thì ông cha từ xa xưa đã dùng thủ công, dùng ve búa để đục thành sản phẩm", ông Hòa nói.

Dụng cụ chính được người thợ sử dụng trong hội thi

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Trong sự hò reo của hàng trăm khán giả, mỗi đội cử ra 2 người thợ lành nghề nhất với dụng cụ chỉ là búa, đục. Nhiệm vụ tối thượng của họ là phải chẻ, đục, đẽo làm sao để từ hòn đá mồ côi nặng cả tạ trở thành những viên đá vuông vắn, đều nhau.
Thực tế đây là một công việc rất khó, vừa đòi hỏi sức mạnh, vừa đòi hỏi sự khéo léo, đặc biệt là phải làm việc giữa chốn đông người. Trong 1 giờ đồng hồ, đội nào chẻ được nhiều viên đá đẹp hơn, đội đó sẽ giành chiến thắng.

Năm nay có 6 đội tham gia thi 

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Ông Ngô Thanh Phương (cán bộ văn hóa xã Gio Hòa, Trưởng ban giám khảo cuộc thi) cho biết, chuẩn một viên đá đẹp là phải đúng kích thước (chiều dài 26 cm, chiều ngang 18 cm và chiều cao 10 cm). Ngoài ra viên đá còn có mặt phải phẳng, các cạnh vuông góc…
Cuộc thi nào rồi cũng có người chiến thắng. Năm nay, với 4 viên đá đẹp đạt chuẩn, tổ hợp sản xuất Thanh An đã mang về niềm vui cho đội nhà. Nhưng 5 đội còn lại không lấy vậy mà buồn, họ cũng vỗ tay, cười nói vui vẻ, hẹn năm sau luyện thêm tay nghề rồi tiếp tục thi đấu. 

Việc đầu tiên, người thợ phải chèn đinh làm sao để chẻ đôi được hòn đá to ra làm 2

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Tiếp đó, họ lại đo đạc để chẻ ra những mảnh nhỏ hơn

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Khi những viên đá đã tương đối thành hình, những người dự thi sẽ dùng búa gõ nhẹ để mọi số đo đạt chuẩn

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Người chiến thắng sẽ là người có số đá được chẻ ra đạt chuẩn nhiều nhất trong vòng 1 tiếng

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.