Theo dấu chân của lưu dân người Hoa, các hội kín/phong trào như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn từ Trung Hoa du nhập vào vùng đất Nam kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy có những sự tồn tại đặc hữu của hội kín ở vùng đất này.
Đủ thể loại hội kín đầu thế kỷ 20
Qua những biến loạn xảy ra trên đất Nam kỳ vào năm 1916, tác giả Georges Coulet, trong tác phẩm Les sociétés secrètes en terre d'Annam (Hội kín xứ An Nam, xuất bản lần đầu năm 1926), đã thu thập được những thông tin cơ bản về các hội kín tồn tại lúc bấy giờ: ở Thủ Dầu Một, một hội kín gần 200 người được "trang bị gươm dao để cướp bóc các nhà giàu ở tỉnh Biên Hòa"; ở Gia Định, một hội kín được lập, khoảng 20 thành viên, "với dự định tham gia tấn công Khám Lớn dự kiến vào giữa tháng 2 [năm 1916]" [nhằm giải cứu Phan Xích Long và đánh đuổi người Pháp khỏi Nam kỳ]; ở Sa Đéc, tại làng Hòa Hưng, nông dân Trần Văn Học thành lập và lãnh đạo hội kín mang tên Ái Chưởng, khoảng 30 thành viên; ở làng Thới Sơn (Mỹ Tho), Trần Văn Phong và Huỳnh Công Ý, thành lập Nghĩa Hòa Hội vào khoảng năm 1910 với khoảng 30 thành viên, mượn tên của một hội kín Trung Hoa. Trong khi đó, Võ Văn Quới thành lập Nghĩa Hòa Hội ở làng Mỹ Lợi (Mỹ Tho), với 42 thành viên; Huỳnh Văn Sanh sáng lập Phục Hưng Hội vào tháng 12.1915, tại làng Long Hưng (Mỹ Tho); ở Thủ Dầu Một, tại các làng Suối Chà và Phú Lộ, Nguyễn Văn Hay tức Bếp Hay, nguyên là lính khố đỏ, thành lập một hội kín Thiên Địa Hội gồm 80 thành viên; Lê Văn Nghi với Lương Hữu Hội ở An Hóa (Long Xuyên), có khoảng 78 - 100 thành viên; có cả sự hoạt động của Nghĩa Hưng công ty…
Những người đứng đầu hội kín cũng thuộc các thành phần xã hội khác nhau, theo tác giả Coulet, Nguyễn Văn Trước tức Tư Mắt, thủ lĩnh một hội kín ở Chợ Lớn chuyên tổ chức các trò chơi cờ bạc bất hợp pháp trên khắp Chợ Lớn, Sài Gòn và khu vực lân cận, sống nhờ cờ bạc và phụ nữ; Nguyễn Văn Hay trú tại An Lộc (Thủ Dầu Một), canh tác đất để nuôi vợ và các con; Lê Văn Nghi làm công nhân nông trường ở làng An Hóa (Long Xuyên), đã kết hôn, không có con…
Thành viên gia nhập hội kín có thể xuất phát từ sự tự nguyện hay nhu cầu tự thân, cũng có thể do bị dụ dỗ. Có người sống nhờ nguồn lợi thu được từ việc kết nạp thành viên. Coulet cho rằng: "Vì lý do này hay lý do khác, việc tuyển mộ cho hội kín không hiệu quả, người sáng lập viện đến những phương cách phổ quát và nhân đạo, được gọi là dụ dỗ. Trên đất An Nam và đối với chủ đề chúng tôi đang có, sự dụ dỗ có sắc thái đa dạng nhất, từ tế nhị nhất đến thô lỗ nhất, tùy theo sự dại dột của đối tượng, cũng như theo sự thông hiểu, kỹ năng hay sự vô sỉ của người sử dụng nó vì lợi ích của mình". Một dạng tuyển mộ khác là đe dọa và cưỡng bức, ví dụ như Thiên Địa Hội của Nguyễn Văn Hay, theo Coulet thì "lối thoát" chỉ có thể là ghi tên đăng ký và đóng tiền hội viên…
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, một phần tài liệu của Coulet dùng được trích từ bút lục của Tòa án quân sự Nam kỳ hoặc các Tòa phúc thẩm Sài Gòn, cho nên có thể dẫn đến những đánh giá mang tính chủ quan của nhà cầm quyền thực dân thông qua bản án (đàn áp).
Mục tiêu, lợi ích khác nhau
Trong công trình nghiên cứu Down and Out in Saigon: Stories of the Poor in a Colonial City (Chìm nổi ở Sài Gòn: Những cảnh đời bần cùng ở một thành phố thuộc địa) của TS Haydon Cherry (Yale University Press, 2019), ông dành riêng chương 3 Between Heaven and Earth (Giữa trời và đất) kể về câu chuyện người Hoa tên là Trần Dưỡng, một thợ đá thuộc bang Khách Gia xuất thân từ miền Nam Trung Hoa, bị chủ cũ của mình là Trương Thất vu khống tội gia nhập hội kín Thiên Địa Hội. Trần Dưỡng đến Nam kỳ năm 1903, lập gia đình và có 3 đứa con, định cư và mưu sinh ở Tân Lai (Biên Hòa). Rồi xung đột xảy ra, Trần Dưỡng không làm công nữa. Vì vậy, giữa tháng 4.1916, chủ cũ viết một lá thư tố cáo gửi quan chủ tỉnh Biên Hòa người Pháp, rằng Trần Dưỡng và những thợ đá khác gốc Khách Gia đã lập ra một phân đà bí mật của Thiên Địa Hội ở Biên Hòa.
Haydon Cherry cho rằng "chính quyền thuộc địa từ lâu đã lo lắng về Thiên Địa Hội, một hội kín khét tiếng ở Nam kỳ về nạn buôn lậu, làm hàng giả, trộm cướp và gian lận". Cộng thêm sự kiện tấn công Khám Lớn Sài Gòn thất bại, trong đó có sự tham gia của Thiên Địa Hội, cuối cùng dù đã kháng cáo và gửi đơn thỉnh cầu, có cả sự trợ giúp của luật sư, Trần Dưỡng vẫn bị chính quyền thuộc địa trục xuất về Trung Hoa sau 13 năm lưu trú ở Nam kỳ, đối diện với một tương lai bất định.
Sử liệu cho thấy vùng đất Nam kỳ những thập niên đầu thế kỷ 20 đa dạng hội kín, các hội tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau. Cũng có thể kể thêm Hội kín Phan Xích Long, một hội được cho là có liên quan đến Thiên Địa Hội nhưng xét về bản chất nội sinh dường như đây là hội độc lập. Ngoài ra, trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Nam kỳ lúc bấy giờ còn có Hội kín Nguyễn An Ninh, vốn được biết đến dưới tên tổ chức "Thanh niên Cao vọng", ra đời giữa thập niên 1920 với địa bàn hoạt động rộng khắp xứ Nam kỳ, một tổ chức chính trị hướng đến mục tiêu giải phóng dân tộc, tập hợp được thanh niên, nông dân và người lao động thành thị…
Trước công trình của tác giả Coulet, trong lời phê cho bản cáo trạng tuyên tại phiên tòa xử vụ án Hội kín (số can phạm lên tới 63 người), tại tòa tiểu hình Long Xuyên ngày 19.11.1909 của thẩm phán Henri Dusson, tổng chưởng lý - giám đốc sở tư pháp Đông Dương viết: "Không nghi ngờ gì nữa, đa số các hội kín đều theo đuổi một mục tiêu chính trị" (Les sociétés secrètes en Chine et en Terre d'Annam (Hội kín ở Trung Hoa và An Nam), 1911, tr.57).
Từ các nguồn sử liệu, sách vở, chúng ta có thể hình dung sơ lược rằng, hội kín tồn tại rất đa dạng ở đất Nam kỳ và có những mục tiêu/lợi ích kinh tế - chính trị khác nhau. Cơ bản, Coulet cho rằng "tổ chức hành chánh của hội kín An Nam đơn giản hơn nhiều so với Thiên Địa Hội ở Trung Hoa, thực sự không có các điều lệ mà chính là lý tưởng đạo đức được diễn đạt khác nhau..." (Georges Coulet, sđd), hoặc "ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ, lễ kết nạp là một sự bắt chước nhạt nhòa của những nghi lễ được cử hành ở Trung Hoa" (Haydon Cherry, sđd).
Bình luận (0)