Nếp nhà trăm năm
Ở vùng đất Quảng Trị đầy nắng gió này, không nơi đâu có nhiều nhà cổ như làng Hội Kỳ. Đó là những mái nhà thấp lè tè, nấp dưới lũy tre hoặc những hàng chè tàu xanh mướt, được người dân nơi đây gìn giữ từ đời này sang đời khác như báu vật. Hội Kỳ bây giờ còn khoảng hơn 20 ngôi nhà cổ, có niên đại khoảng 100 năm và 5 ngôi nhà cổ đã bước qua tuổi đời hàng trăm năm. Đó là những ngôi nhà mang cốt cách, dáng dấp từ thời khai canh, lập ấp.
|
Các ngôi nhà rường cổ được người thợ mộc ngày xưa dựng nên, những người mà thậm chí không biết chữ nhưng với đôi tay tài hoa họ đã khiến cho người đời nay thán phục về tài nghệ. Tất cả hệ thống cột, kèo… trong nhà đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo dựa trên mô típ rồng bay phượng múa vô cùng điệu nghệ.
Nhà cổ Hội Kỳ chủ yếu được làm bằng gỗ mít, kiền kiền theo kiểu 3 gian 2 chái (5 căn) hoặc 1 gian 2 chái (3 căn). Gian giữa nhà để thờ tự tổ tiên, hai gian hai bên được dùng để tiếp khách và không gian sinh hoạt. Còn hai chái thường gọi là tây phòng (nơi dành cho con trai) và đông phòng (để cho con gái ở). Trong mỗi nhà đều treo hoặc chạm trổ các bức hoành phi câu đối với nội dung răn dạy điều hay cho con cháu trong nhà. Các ngôi nhà này được lợp bằng hàng vạn viên ngói liệt, tùy vào kích cỡ và nhà luôn có gác lửng (gọi là tra) để chất lúa gạo hoặc và nơi ẩn nấp khi mùa mưa lũ đến. Để điểm tô cho nét đẹp của những ngôi nhà cổ, xung quanh thường có hệ thống hàng rào bằng cây xanh được cắt tỉa đẹp mắt và những vườn cây lâu năm tạo bóng mát.
|
Mỗi ngôi nhà cổ ở Hội Kỳ đều có tên riêng. Ví dụ như nhà bà Dương Thị Hường có tên là Đức Lưu Quang dựng vào năm Tân Mùi 1931. Nhà hình chữ nhất, cấu trúc 1 gian 2 chái, diện tích khoảng 60m2. Theo quan niệm người xưa, ngôi nhà trải qua 4 thế hệ kế tiếp sinh sống thì dòng họ đó được coi là phúc. Hay nhà ông Dương Văn Mạnh thì lại có tên là Tích Khánh Đường.
Hiện nay 5 ngôi nhà cổ nhất làng Hội Kỳ thuộc về sở hữu của 5 gia đình giàu có ngày trước gồm Chánh tổng tống An Thư tên là Dương Văn Chương, ông Dương Quang Trì (còn gọi là Bảng Trì), ông Dương Quang Thùy (còn gọi là ông Giáo Dái), ông giáo Độ và nhà ông Ký. Nhưng cũng có một ngôi nhà khác ở làng Hội Kỳ được mua từ nơi khác về, dựng lại, nhưng cũng có niên đại 200 năm của ông Dương Văn Ngọc, hiện còn nguyên vẹn.
Một số dân làng kể lại rằng từng có một ngôi nhà cổ ở Hội Kỳ được bán đi với giá hơn 10.000 đồng tiền miền bắc (quy ra giá trị ngày đó cũng được hai chục cây vàng).
|
Niềm tự hào... Tích Khánh Đường
Có thể nói đây là ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất cho làng cổ Hội Kỳ khi giữ được những nét nguyên bản từ thuở sơ khai, ít bị tác động bởi thời gian và đặc biệt là được chủ nhân các đời chăm chút từng tí, xem như báu vật của gia đình, dòng tộc. Và nếu đã ghé làng Hội Kỳ mà chưa đến Tích Khánh Đường, chưa ngồi “đạm đạo” với chủ nhà thì như là chưa ghé Hội Kỳ.
Ngôi nhà này nguyên gốc là của ông Dương Văn Chương, rồi sau đó truyền lại thêm một đời nữa trước khi giao lại cho ông Dương Văn Mạnh ở và coi sóc. Ông Mạnh từng làm ở Ty bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng, sau giải phóng thì về sống ở quê. “Ngôi nhà của tổ tiên tôi để lại này từng được trả giá tới 18.000 đồng tiền miền bắc, quy ra giá trị ngang ngữa 50 cây vàng nhưng chúng tôi quyết giữ lại”, ông Mạnh chỉ tay về phía những cột kèo còn rất chắc chắn của ngôi nhà cổ hơn 200 năm, nói. Sau đó ông Mạnh đọc vanh vách những con số liên quan đến ngôi nhà mà ông đã sống trong đó mấy chục năm trời. Ông Mạnh cho biết để dựng nên ngôi nhà chiều ngang 12,3m, rộng 9,5m (3 gian, 2 chái) này phải cần tới 48 cột gỗ mít, mỗi cột phải đặt đúng quy định làm nhà ngày xưa khi cách nhau dưới 1,5m. Nhà có dãy cửa bảng khoa với 18 lá và mái được lợp từ 45.000 viên ngói, kết dính với nhau bằng đất sét hoặc vôi (thay cho xi măng ngày nay). Gian giữa là nơi thờ tự có treo bức hoành phi ghi “Tích Khánh Đường” bằng Hán tự. Hai bên có 4 bốn bức liễn chữ Hán mang tính giáo dục cháu con đời sau.
|
|
|
Ông Mạnh cũng tự hào Tích Khánh Đường giống như những nhà cổ khác, dù rất thấp nhưng chính vì thế lại chống được bão, đông ấm hè mát. “Kết cấu ngôi nhà bền chặt với xà thượng, xà trung, xà hạ như một con rắn vây quanh. Xà và cột lại tiếp tục được níu với nhau bằng đuôi én. Nên giờ lấy trực thăng mà câu lên cả nhà cũng được, chứ tường thì chỉ như cái phên, không kết dính gì”, ông Mạnh nói, giọng pha chút tiếu lâm.
Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến công chăm chút của những người nhà họ Dương với sự tồn tại của Tích Khánh Đường đến ngày nay. Gia đình cũng đã đôi lần trùng tu, gần nhất là năm 1994, ông Mạnh được người anh sống ở nước ngoài “viện trợ” để mua mấy khối gỗ kiền kiền, hơn 1.000 viên ngói liệt để gia cố lại nhà. Đặc biệt hơn, một tay ông Mạnh tô vẽ thêm nét đẹp cho ngôi nhà khi trồng nhiều loại hoa kiểng xung quanh. “Tôi thích được ngắn Tích Khánh Đường. Ngày nào cũng ngắm, ngắm mấy chục năm rồi mà không chán. Bởi nhìn vào đó tôi nhớ về tổ tiên, về cha mẹ, về thuở thiếu thời của mình”, ông Mạnh nói, giọng trầm ấm.
Bình luận (0)