Hội nghị Bilderberg và âm mưu thống trị thế giới

30/06/2013 03:25 GMT+7

Tấm màn bí ẩn bao trùm Hội nghị Bilderberg khiến sự kiện này trở thành tâm điểm của nhiều giả thuyết về ý đồ thao túng vận mệnh toàn cầu.

Trong gần 60 năm qua, vào độ tháng 5 hoặc tháng 6, khoảng 120 - 150 nhân vật thuộc tầng lớp được xem là “tinh hoa của nhân loại” tham dự hội nghị thường niên mang tên Bilderberg để thảo luận về nhiều vấn đề từ chính trị, kinh tế đến chiến tranh. Số này bao gồm nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, quan chức cấp cao, cố vấn, học giả, tướng lĩnh lẫn các tài phiệt lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực tài chính, dầu khí, truyền thông... của Mỹ và Tây Âu.

 Biểu tình phản đối Hội nghị Bilderberg 2013 trước khách sạn Grove - d
Biểu tình phản đối Hội nghị Bilderberg 2013 trước khách sạn Grove - Ảnh: AFP

Hội nghị năm nay diễn ra từ 6 - 9.6 tại khách sạn 5 sao Grove ở Watford, Anh. Theo tờ Mirror, danh sách tham dự gồm những tên tuổi như Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, lãnh đạo Google Eric Schmidt, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger... Đại diện nước chủ nhà là Thủ tướng David Cameron, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cùng một số nghị sĩ và doanh nhân.

Bilderberg 2013 là lần đầu tiên các chủ đề thảo luận được công bố nhưng hết sức chung chung. Trong đó bao gồm: việc làm, tăng trưởng và nợ của Mỹ cũng như châu Âu; sức mạnh của thông tin; chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy; chính sách đối ngoại của Mỹ; thách thức cho châu Phi; chiến tranh mạng; các xu hướng chính trong nghiên cứu y học; giáo dục trực tuyến; các vấn đề chính trị của EU và diễn biến tình hình Trung Đông.

Họ nói với nhau những gì? Họ muốn gì và quyết định ra sao? Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng suốt bao lâu nay câu trả lời vẫn chỉ là đồn đoán. Cũng phải thôi khi báo chí không được tham gia, người tham dự không được mang theo vợ chồng hay trợ lý, còn lực lượng an ninh cả công lẫn tư lập hàng rào dày đặc “ruồi không bay lọt” bên ngoài, theo website Theinsider.org. Chuyện một nhóm nhỏ quyền lực và giàu có nhất thế giới họp bàn bí mật quả là “mỏ vàng” cho những ai ưa thích chuyện giật gân và tín đồ của thuyết âm mưu.

“Những kẻ buôn vua”

Lâu nay, biết bao người luôn bị ám ảnh bởi nghi ngờ rằng Hội nghị Bilderberg chính là nơi quyết định ai trở thành tổng thống Mỹ hay thủ tướng Anh, ai được ngồi ghế lãnh đạo IMF hay Ngân hàng Thế giới (WB) còn tranh cử với cả bỏ phiếu chỉ là những “trò lừa vĩ đại”. Luận điểm được bàn tán nhiều nhất là khi các quyền lực đen nhắm một nhân vật thích hợp, ông hay bà ta sẽ được mời tới hội nghị để thỏa thuận lẫn bàn thảo con đường sắp tới và chỉ vài năm sau đường hoàng bước lên đỉnh vinh quang.

Trong sách The True Story of the Bilderberg Group (tạm dịch: Sự thật về nhóm Bilderberg), tác giả Daniel Estulin dẫn ra một loạt “trùng hợp”: George H.W.Bush tham dự năm 1985 và trở thành Tổng thống Mỹ 3 năm sau đó. Bill Clinton có mặt năm 1991 và chỉ một năm sau đã bước vào Nhà Trắng, Tony Blair từ một thành viên không mấy nổi bật của Công đảng Anh thoắt cái trở thành Thủ tướng 4 năm sau ngày có mặt tại phòng hội nghị và còn nhiều trường hợp tương tự.

Câu chuyện đáng chú ý nhất là về kỳ họp từ ngày 5 - 8.6.2008 tại Chantilly, bang Virginia của Mỹ. Khi đó, Barack Obama và Hillary Clinton đang chạy đua quyết liệt để giành quyền đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống. Vào ngày 5.6, cả hai người bỗng dưng… mất tích trong vài giờ, theo Đài RT. Khoảng thời gian đó không được nhắc tới trong lịch trình tranh cử chính thức, còn truyền thông Mỹ hoàn toàn im lặng. Chỉ 2 ngày sau, bà Clinton tuyên bố rút lui. Vô số đồn đoán được đưa ra nhưng tất cả đều có chung kết luận là 2 người được vời tới Hội nghị Bilderberg để thỏa hiệp. Theo đó, sau khi đã đạt mục đích bước đầu tại Afghanistan và Iraq bằng phương pháp “hùng hổ” của Tổng thống George W.Bush và đảng Cộng hòa, các ông chủ cần phe Dân chủ chiến thắng để tiếp tục thao túng tình hình bằng “quyền lực mềm”. Vào thời điểm ấy, một tổng thống da màu có vẻ thân thiện với Hồi giáo sẽ có lợi hơn. Đổi lại, bà Clinton sẽ có vị trí xứng đáng trong chính quyền để cùng ông Obama tạo thành một “cặp đôi hoàn hảo”, theo RT.

Đế chế thứ 4

Theo những người tin vào thuyết âm mưu, Hội nghị Bilderberg nhắm tới hoàn thành giấc mộng thống trị toàn cầu của các tổ chức khét tiếng trong lịch sử như Hội Tam điểm, Illuminati cũng như Adolf Hitler và Đế chế thứ 3.

Trong The True Story of the Bilderberg Group, tác giả Estulin liệt kê các mục tiêu như tạo ra một chính phủ duy nhất ngồi trong bóng tối giật dây tất cả; xây dựng một quân đội toàn cầu với nòng cốt là NATO; tạo ra một thị trường chung bóc lột thông qua IMF, WB và WTO; kiểm soát tư tưởng cũng như lối sống bằng truyền thông, internet và chủ nghĩa tiêu thụ... Theo Estulin, những “kẻ điều khiển rối Bilderberg” đã tạo khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970 để nâng giá dầu, ép LHQ cấm vận Argentina trong cuộc chiến Falklands/Malvinas với Anh, gây ra chính biến “Mùa xuân Ả Rập”…

Trang TruTV còn đi xa hơn khi cho rằng những đại dịch như SARS, cúm A/H1N1… đều là “nhân tạo” hoặc bị thổi phồng để khiến cả thế giới phải “phụ thuộc vào WHO và các hãng dược”. Giáo sư Michel Chossudovsky của ĐH Ottawa (Canada), người sáng lập Viện Nghiên cứu Global Research, thì khăng khăng rằng Bilderberg 2013 vừa qua tập trung thảo luận các vấn đề: có nên tiếp tục kéo dài khủng hoảng tài chính hay như vậy đã đủ để làm đầy thêm túi tiền của các gia đình tài phiệt “siêu giàu và siêu quyền lực” cũng như khuất phục những quốc gia khó bảo, nên làm gì với Trung Quốc và kế hoạch tấn công Iran trong vòng 3 năm tới.

Vì vậy, không lạ khi năm nào cũng có biểu tình phản đối rầm rộ bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị dù không ít người chẳng rõ mình đang chống cái gì. Hồi đầu tháng, AP dẫn lời một người biểu tình bên ngoài khách sạn Grove nói họ đang nỗ lực ngăn chặn “những kẻ dường như đang muốn phá hủy thế giới”.  

Lược sử Bilderberg

Theo BBC, Hội nghị Bilderberg được gọi theo tên nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên từ 29 - 31.5.1954 là khách sạn Bilderberg ở làng Oosterbeek, phía đông Hà Lan. Hội nghị ra đời từ ý tưởng của chính trị gia Ba Lan Józef Retinger, Hoàng thân Hà Lan Bernhard (ông ngoại của vua Willem-Alexander hiện nay), Chủ tịch Tập đoàn Unilever Paul Rijkens, chính trị gia Anh Denis Healey và Giám đốc CIA Walter Bedell Smith. Nội dung kỳ họp năm 1954 được cho là xoay quanh các vấn đề như tăng cường quan hệ về mọi mặt giữa Mỹ và Tây Âu cũng như hợp tác đối phó Liên Xô. Theo BBC, hội nghị đóng vai trò rất quyết định trong việc hình thành EU.

Sau đó, một ban thư ký được thành lập để xử lý công việc thường vụ trong mỗi lần hội họp cũng như chọn mời ai tham dự. Tổng thư ký hiện nay là Henri de Castries, Chủ tịch Tập đoàn tài chính - bảo hiểm AXA (ông này là thành viên gia tộc de Castries danh tiếng và là họ hàng với chỉ huy lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ Christian de Castries). Ban thư ký còn có một vị trí cố vấn cấp cao, đang do nhà tài phiệt Mỹ David Rockefeller đảm nhận.

Dưới áp lực của dư luận đòi hỏi phải minh bạch hơn, Ban Thư ký Bilderberg đã cho lập một website mang tên Bilderbergmeetings.org chứa một số thông tin ít ỏi. Theo website này, hội nghị là “diễn đàn không chính thức và hoàn toàn riêng tư, nơi người tham dự có thể tự do thảo luận về các định hướng chủ đạo trong mọi lĩnh vực cũng như những vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Hội nghị không có chương trình nghị sự chi tiết, không có nghị quyết, không bỏ phiếu và không có tuyên bố chính sách”.

Trọng Kha

>> Chuyện về tân Thủ tướng Anh David Cameron
>> Những khoảnh khắc cuối cùng của Adolf Hitler

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.