Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Pháp nói ông xem hội nghị thượng đỉnh G7 là cuộc họp địa chính trị vì tâm điểm dự kiến là 2 quốc gia không được mời đến sự kiện, Trung Quốc và Nga.
Về Trung Quốc, các thành viên G7 đang chật vật tìm cách cảnh báo về điều mà họ coi là mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh kinh tế, nhưng lại không muốn làm mất lòng một đối tác thương mại quan trọng.
Tổng thống Biden cũng đã lên kế hoạch thảo luận các vấn đề này. Trong đó, có một cuộc họp với nhóm Bộ Tứ (QUAD), một nhóm không chính thức gồm 4 nước nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở nhưng bị Bắc Kinh xem là một nỗ lực nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Tôi nghĩ gần đây chúng ta đã cho thấy có tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc".
Quan hệ của Mỹ và Trung Quốc là chủ đề chính của một phiên điều trần tại quốc hội Mỹ hôm 16.5, khi một số quan chức chính phủ bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken đề cập tầm quan trọng và những thách thức của mối quan hệ này.
“Chúng tôi tin tưởng hướng đi đúng đắn hiện nay là có thêm nhiều tiếp xúc cấp cao một cách ổn định giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Quốc, nhờ đó chúng ta có thể đảm bảo rằng ít nhất hai bên có nói chuyện với nhau, để đảm bảo chúng ta nói rõ lập trường, ý định, mong muốn, cũng như tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác nếu có thể. Đó không chỉ là mối quan tâm của Mỹ, mà phần còn lại của thế giới trông đợi chúng ta kiểm soát mối quan hệ này một cách có trách nhiệm. Chúng tôi quyết tâm làm điều đó", ông Blinken cho hay.
Quan điểm khác biệt về vấn đề Trung Quốc giữa các thành viên G7 đã nổi rõ sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước và kêu gọi Liên minh châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Về Nga, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thắt chặt các biện pháp cấm vận. Trọng tâm là nhắm vào năng lượng và xuất khẩu, hai nguồn thu đang giúp Nga tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi có sự khác biệt trong chiến lược về cách chấm dứt xung đột, các quan chức Mỹ cho biết Washington không muốn bàn về một giải pháp ngoại giao trong khi chờ xem Ukraine sẽ tiến hành phản công như thế nào, cho dù các đồng minh châu Âu vẫn muốn có sẵn một giải pháp ngoại giao.
Các cuộc hội đàm G7 sẽ kết thúc vào ngày 21.5.
Bình luận (0)