Hội nghị khí hậu trước bờ vực đổ vỡ

16/12/2019 07:29 GMT+7

Hội nghị chống biến đổi khí hậu LHQ tại Tây Ban Nha buộc phải kéo dài thêm 2 ngày so với lịch trình vì còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết.

Sau những ngày cuối cùng gần như làm việc trắng đêm, các nhà thương thuyết từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ quyết định nhóm họp lần cuối vào ngày 15.12 tại Madrid, Tây Ban Nha. Mục tiêu là bằng mọi cách đưa ra tuyên bố chung của Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP25), theo Reuters. Trước đó, một số quốc gia, bao gồm các nền kinh tế phát triển, đang trỗi dậy lẫn nước nghèo, đã bác bỏ dự thảo tuyên bố chung do đoàn chủ tịch là Chile soạn thảo. Vì vậy, các cuộc đàm phán phải kéo dài thêm 2 ngày so với lịch trình ban đầu là ngày 13.12, nhằm tìm ra phương án giải quyết khủng hoảng khí hậu và nước nào sẽ phải trả chi phí cho công cuộc cứu lấy trái đất.
Các phái đoàn từ ngày 2.12 đến nay đã ra sức bàn thảo để có thể chốt lại các quy tắc và điều lệ cho Thỏa thuận Paris năm 2015, theo đó tìm cách khống chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 20C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở ngưỡng 1,5oC. Thỏa thuận Paris sẽ bước vào giai đoạn thực hiện trong năm sau, và các bên hy vọng COP25 sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy các chính phủ đã lắng nghe nguyện vọng của người dân, hiểu được các cảnh báo của giới khoa học và nhanh chóng hành động sau khi chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu. Theo AFP dẫn lời giới chuyên gia, thế giới phải lập tức cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng nhanh càng tốt nếu muốn ngăn chặn nhiệt độ trên toàn cầu không tăng hơn 1,50C vào cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, vấn đề then chốt trên bàn đàm phán, bao gồm mức cắt giảm phát thải của mỗi nước hoặc hỗ trợ những nước nghèo chống chọi ảnh hưởng của thiên tai, hầu như vẫn chưa được hiện thực hóa. Trung Quốc và Ấn Độ, lần lượt phát thải CO2 lớn nhất và thứ 4 trên thế giới, đã nói rõ từ đây đến năm 2030, họ cảm thấy không cần phải điều chỉnh lượng khí thải ra. Thay vào đó, hai nước này cho rằng những quốc gia phát triển cần phải dẫn đầu công cuộc giảm khí thải và cung cấp tài chính cho những nước nghèo bị ảnh hưởng. Về phần mình, Mỹ, hồi tháng trước bắt đầu quy trình rút khỏi Thỏa thuận Paris, đang tìm cách cản trở việc thông qua bất kỳ điều khoản nào có thể buộc Washington và những nước phát triển khác phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do biến đổi khí hậu. Ước tính từ năm 2025, toàn cầu có thể tổn thất hơn 150 tỉ USD/năm do biến đổi khí hậu.
Đến tối qua, AFP dẫn thông cáo của nước chủ nhà Tây Ban Nha cho hay COP25 đạt được thỏa thuận với nội dụng “thể hiện nhu cầu cấp bách” về các cam kết mới đối với việc giảm phát thải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.