Theo TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, nội dung các tham luận tập trung vào 3 vấn đề chính: công bố tư liệu Hán Nôm mới phát hiện, hoặc đã phát hiện từ trước nhưng chưa được giải đọc; phiên dịch, chú giải, giới thiệu văn bản Hán Nôm và phân tích nội dung, giá trị của tư liệu Hán Nôm.
Một số tham luận đáng chú ý trong hội thảo: Suy nghĩ về chủ trương quân sự hướng biển của Nguyễn Trãi qua việc đề xuất thêm một cách hiểu nhan đề bài thơ Quan hải; Nghĩ về sự phân kỳ văn bản hương ước; Hệ thống tư liệu về khởi nghĩa Phùng Hưng; giới thiệu kho sắc phong được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN; Phong tục tết trong tư liệu địa chí Hán Nôm thời trung đại; Thêm một tư liệu về Thánh Gióng; Nghiên cứu lịch sử bản đồ học Trung Quốc 90 năm trở lại đây...
Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị thông báo Hán Nôm học yêu cầu với những tham luận giới thiệu và phiên dịch tư liệu Hán Nôm nhất thiết phải có phần phân tích, đánh giá giá trị tư liệu kèm theo. Điều đó có nghĩa hội nghị không nhận những tham luận chỉ có phiên âm dịch nghĩa và chú thích tư liệu mà không có phần đánh giá giá trị tư liệu, thể hiện quan điểm khoa học của tác giả tham luận về tư liệu mà tác giả giới thiệu. Cũng chính vì thế, độ dài của tham luận khoa học cũng được cho phép tăng lên gấp đôi so với những kỳ thông báo Hán Nôm trước. Đây có thể là lý do so với kỳ hội nghị trước, năm nay số lượng tham luận giảm (năm 2015 có 130 bài).
Bình luận (0)