Từ khi ChatGPT (phần mềm giao tiếp dựa trên AI) xuất hiện và tạo cơn sốt toàn cầu vào cuối năm ngoái, giới nghị sĩ và các nhà chức trách Mỹ đã đối mặt với bài toán làm sao giải quyết những nguy cơ mà công nghệ này tạo ra, như việc biến đổi công việc, lan truyền thông tin sai.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ngày 13.9 chủ trì cuộc thảo luận tại một tòa nhà ở đồi Capitol (khu vực làm việc của quốc hội Mỹ) cùng lãnh đạo các công ty hàng đầu về AI, các tổ chức dân sự, công đoàn... để hiểu thêm về công nghệ này và việc quản lý.
Tiềm năng và hiểm họa
Theo báo The New York Times, cuộc họp kín kéo dài 3 giờ có mặt tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, Tổng giám đốc Google Sundar Pichai, nhà sáng lập Bill Gates và Tổng giám đốc Satya Nadella của Microsoft, Tổng giám đốc OpenAI Sam Altman, ông chủ Meta Mark Zuckerberg và nhiều nhân vật hàng đầu về công nghệ khác.
Trong phiên thảo luận, nghị sĩ Schumer thừa nhận quốc hội Mỹ chưa thể bắt kịp với sự phát triển của công nghệ AI, điều mà ông cho là "rất phức tạp và kỹ thuật". Trong khi châu Âu đã thực hiện những bước đầu trong việc soạn thảo luật để quản lý AI, Mỹ đang bị bỏ lại và gấp rút tìm giải pháp.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã được đưa ra. Ông Pichai khẳng định tiềm năng của AI trong lĩnh vực y tế và năng lượng nhưng cho rằng chính quyền cần cân bằng mặt đổi mới với việc xây dựng những quy định an toàn. Ông Zuckerberg nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghiên cứu và phát triển AI nguồn mở, nghĩa là cần chia sẻ công khai, minh bạch mã nguồn của các hệ thống AI. Theo ông chủ Facebook, cách làm này giúp tạo sân chơi công bằng và khuyến khích sự sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tỉ phú Bill Gates và doanh nhân Jack Clark của hãng khởi nghiệp về AI Anthropic bày tỏ lo ngại rằng AI nguồn mở có thể dẫn đến những nguy cơ an ninh, cho phép người ngoài vượt qua những quy định an toàn và lan truyền thông tin sai, tài liệu độc hại.
Trong khi đó, tỉ phú Elon Musk gọi AI là "con dao hai lưỡi", vừa có mặt lợi nhưng cũng có thể đe dọa sự tồn vong của nền văn minh, theo Reuters. Ông đồng tình rằng chính quyền cần có hành động mạnh mẽ đối với AI, đồng thời đề xuất lập ra "Bộ AI" hay "trọng tài" nhằm đảm bảo các công ty có hành động an toàn và phù hợp với lợi ích của công chúng.
Cần hành động trước bầu cử
Nhìn chung, mọi người tham gia cuộc họp đều đồng ý chính quyền cần có vai trò trong việc quản trị AI, theo nghị sĩ Schumer. Ông cho rằng việc làm luật để quản trị AI chắc chắn là điều cần thiết nhưng không nên quá hấp tấp. Tuy vậy, vị nghị sĩ nhấn mạnh rằng cần có hành động khẩn cấp trước cuộc bầu cử năm 2024 trước mối đe dọa từ deepfake - một kỹ thuật tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc video giả mạo dựa trên AI.
"Chúng ta đã nói về việc dán nhãn (những hình ảnh giả mạo). Có rất nhiều thứ cần phải làm nhưng đó là điều rất quan trọng và có lịch trình nhanh hơn những vấn đề khác", ông Schumer nói.
Đạo diễn 'Kẻ hủy diệt' Terminator: "Tôi đã cảnh báo về AI từ năm 1984!"
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Todd Young tin rằng các ủy ban hữu quan của Thượng viện sẽ sẵn sàng bắt đầu quá trình cân nhắc đưa ra luật mới, nhưng người đồng nghiệp Mike Rounds cho rằng quốc hội cần thêm thời gian. Nghị sĩ Schumer cho biết đây chỉ mới là cuộc họp đầu tiên trong chuỗi các sự kiện tương tự sắp tới. Tỉ phú Elon Musk ca ngợi cuộc họp này mang mục đích "phục vụ loài người" và có thể đi vào lịch sử nhờ tầm quan trọng to lớn cho tương lai nền văn minh.
Thêm nhiều công ty tự nguyện quản lý AI
Reuters đưa tin Adobe, IBM, Nvidia và 5 công ty khác trong tuần này đã ký cam kết tự nguyện quản trị AI. Đây là sáng kiến được Nhà Trắng đưa ra hồi tháng 7 nhằm đảm bảo sức mạnh của AI không được sử dụng cho mục đích tiêu cực. Các công ty tham gia sẽ tự nguyện thực hiện các bước như dán nhãn nội dung do AI tạo ra. Google, OpenAI và Microsoft đã ký cam kết này hồi tháng 7.
Bình luận (0)