Hội nghị Trung ương 8 sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng

29/09/2018 06:59 GMT+7

Ngoài công tác nhân sự, xem xét báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế, dự toán ngân sách năm 2019, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 8khóa XII sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác. .

Sáng 28.9, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Văn phòng T.Ư Đảng tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị T.Ư 8, khóa XII. Đây là lần đầu tiên các cơ quan của Đảng tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư và theo dự kiến, sau hội nghị cũng sẽ có họp báo thông tin về kết quả hội nghị. Theo ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, việc tổ chức họp báo trước và sau Hội nghị T.Ư là “nét đổi mới nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong Đảng và giữa Đảng với xã hội, nhân dân”.
Theo ông Giang, 232 đại biểu, trong đó có 196 ủy viên T.Ư (176 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết) sẽ tham dự Hội nghị T.Ư 8 từ ngày 2 - 6.10 tới. Theo dự kiến, tại Hội nghị T.Ư sẽ xem xét 5 nội dung, gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa X về chiến lược biển VN đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng; Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.
Chuẩn bị kỹ lưỡng nhân sự Chủ tịch nước
Tại hội nghị lần này, T.Ư sẽ cho ý kiến, xem xét việc kỷ luật nguyên Ủy viên T.Ư Đảng theo đề nghị của Bộ Chính trị và một số trường hợp khác do liên quan đến vụ việc MobiFone mua AVG
 
Tại họp báo, trả lời câu hỏi về việc tại hội nghị lần này, T.Ư có xem xét giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới thay cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần hay không, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng, cho biết việc này phụ thuộc vào công tác chuẩn bị của các cấp có thẩm quyền. "Chúng ta đều biết, việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước để Quốc hội bầu là việc hết sức hệ trọng của quốc gia, của Đảng, do vậy phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước", ông Vĩnh khẳng định, và cho biết, thông tin cụ thể sẽ được thông báo sau theo quyết định của T.Ư.
Ông Vĩnh cũng cho hay, theo Hiến pháp, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước quy định phải được thực hiện một cách đầy đủ, liên tục. Hiện tại, Bộ Chính trị đã phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch nước, đảm nhiệm quyền Chủ tịch nước. "Sự phân công của Bộ Chính trị đối với bà Thịnh là trên cơ sở Hiến pháp và các quy định của Đảng", ông Vĩnh khẳng định và cho biết, như vậy quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước sẽ được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Hiện tại, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ là người đại diện cho nhà nước VN cả về đối nội và đối ngoại.
Tại họp báo, PV cũng nêu câu hỏi tại Hội nghị T.Ư 8 có nội dung xem xét kỷ luật đối với cá nhân là nguyên Ủy viên T.Ư Đảng có những sai phạm trong vụ việc Tổng công ty MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG theo thẩm quyền mà trước đó Bộ Chính trị đã đề nghị hay không? Ông Lê Quang Vĩnh khẳng định, tại hội nghị lần này, T.Ư sẽ cho ý kiến, xem xét việc kỷ luật nguyên Ủy viên T.Ư Đảng theo đề nghị của Bộ Chính trị và một số trường hợp khác do liên quan đến vụ việc MobiFone mua AVG.
Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng, trao đổi tại họp báo sáng 28.9

Quy định mới về trách nhiệm nêu gương
Liên quan tới quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức T.Ư, cho hay quy định mới được xây dựng từ đầu năm 2018, tới nay đã cơ bản hoàn tất và sẽ trình T.Ư tại hội nghị sắp tới.
“Tinh thần chỉ đạo của T.Ư là thiết kế một quy định mới trong đó nhấn mạnh đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng, do đó mới có cụm từ trước hết là”, ông Sơn nói và cho biết, quy định mới chỉ có dung lượng khoảng
3 trang với 4 điều, bao gồm những quy định chung, quy định dành riêng cho Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên T.Ư Đảng về những việc phải gương mẫu thực hiện, những việc không nên làm, không được làm...
Theo ông Sơn, quy định mới về trách nhiệm nêu gương nhấn mạnh về trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng, do đó những quy định cũ về trách nhiệm nêu gương của đảng viên vẫn phát huy tác dụng sẽ tiếp tục được duy trì song song sau khi quy định mới được ban hành. Ông Sơn cũng cho hay, quy định mới mang tính khuyến khích, động viên, khích lệ, răn đe, cảnh báo gắn với công tác kiểm điểm cá nhân hằng năm và bình xét thi đua nên không có chế tài mang tính pháp lý cao. Các chế tài đối với hành vi vi phạm đã có quy định của Ủy ban Kiểm tra T.Ư và pháp luật quy định.
Chuyển giá, nợ thuế, thất thu vẫn là thách thức
Thông tin về tình hình KT-XH, ngân sách năm 2018 và kế hoạch, dự toán năm 2019, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho hay năm 2018 trong số 12 chỉ tiêu thì có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tình hình thực hiện ngân sách năm 2018 có nhiều cái được, như: đạt mức động viên trên 23,5% (năm 2017 là 25,6%) so với GDP, trong đó thuế, phí là 20,7%, vượt dự toán hơn 40.000 tỉ đồng, đạt mức 3% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ; bội chi năm nay ở mức 3,67%, thấp hơn yêu cầu của Quốc hội. “Quan trọng là nợ công tính đến 31.12.2018 vào khoảng 61,4% so với GDP. Như vậy là đã xa dần trần 65% và tiến dần tới mức an toàn là 60%”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra "2 cái chưa được" của tình hình ngân sách 2018. “Một là tình trạng chuyển giá, tình trạng nợ thuế, thất thu ở trong nền kinh tế vẫn còn ở mức độ thách thức, cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết”, ông Tuấn nói. Bên cạnh đó là tình trạng giải ngân, sử dụng vốn đầu tư công tính hiệu quả chưa cao. "Cả năm nếu phấn đấu tốt, kể cả trường hợp thực hiện đúng luật, cho giải ngân tới 31.1.2019 thì cũng dưới 90%, khả năng tích cực chỉ được 88%”, ông Tuấn nói và cho hay, như vậy còn 12% vốn đầu tư công chưa giải ngân được.
Ngành công nghiệp đóng tàu, hàng hải chưa đạt mục tiêu kỳ vọng
Nói về tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược biển VN, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nói rằng còn những hạn chế. “Ngành công nghiệp đóng tàu không đạt được mục tiêu đề ra, do mô hình phát triển, quản lý còn nóng vội, có khi duy ý chí và mô hình chưa phù hợp, để xảy ra thất thoát. Chúng ta kỳ vọng nó trở thành ngành mũi nhọn thì hiện nay nó không còn là mũi nhọn. Nó đã qua cơ hội để vượt lên, cạnh tranh trên thế giới để chúng ta hướng ra biển”, Bộ trưởng Hà nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hà, T.Ư đặt mục tiêu vào ngành công nghiệp hàng hải nhiều kỳ vọng lớn, nhưng năm 2007 - 2008 xảy ra khủng hoảng kinh tế liên tục. “Ngành hàng hải chúng ta kỳ vọng vì tính toán rằng việc trao đổi hàng hóa tăng lên nhưng do khủng hoảng kinh tế, trên thế giới nhu cầu này giảm rất lớn, đó là do chúng ta chưa dự báo đúng tình hình”, ông Hà phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.