Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là bảo tàng tư nhân được thành lập theo quyết định số 46/QĐ-SVHTT ngày 7.2.2023 của Sở VH - TT TP.HCM.
Tên của bảo tàng bắt nguồn từ việc ghép tên người sáng lập là ông Nguyễn Thiều Quang và tên người mẹ của ông là bà Nguyễn Thị San để ra đời "Quang San", hay còn có nghĩa là "núi sáng" từ tiếng Hán.
Nằm trong khuôn viên rộng 2.000 m2 nhìn ra dòng sông Sài Gòn, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là địa điểm vàng cũng như một điểm tham quan mới và hấp dẫn, không chỉ với công chúng trong nước mà cả nước ngoài, đặc biệt là những ai tìm kiếm những cuộc gặp gỡ ý nghĩa với lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên Việt Nam.
Ngắm bộ tứ kiệt hội họa Việt Nam: "Thứ - Phổ - Lựu – Đàm"
Nói về không gian nghệ thuật đầy tâm huyết của mình, ông Nguyễn Thiều Kiên cho biết: "Tôi hết sức vui mừng và hân hoan, niềm mơ ước của cha mẹ và gia đình tôi đã thành hiện thực. Bảo tàng nghệ thuật Quang San mọc lên bên sông Sài Gòn, mang trong mình rất nhiều tinh hoa của nền mỹ thuật Việt Nam cả thế kỷ qua. Người tôi trân trọng muốn nói đến trước hết là ba và mẹ của tôi: ông Nguyễn Thiều Quang và bà Phùng Minh Nguyệt. Hơn 20 năm qua, ba mẹ tôi trân trọng và tích cực đi sưu tầm tất cả những tinh hoa của hội họa Việt Nam, của những thế hệ họa sĩ rất tài năng của đất nước, dù tranh họ đã thất tán bốn phương trời hay còn được cất giấu nơi nào đó".
Cũng theo ông Nguyễn Thiều Kiên: "Ba mẹ tôi ý thức rõ ràng sưu tầm tranh không chỉ lưu giữ cho gia đình, mà còn lưu giữ và bảo tồn cho đất nước những họa phẩm vô cùng quý giá. Bảo tàng nghệ thuật Quang San trước hết được xây dựng nên từ khát vọng, từ tình yêu, từ sự năng nổ, tích cực để sưu tầm và mang về cho đất nước những tinh hoa của các thế hệ họa sĩ Việt Nam từ buổi đầu đến nay. Dù hôm nay bảo tàng chỉ treo khoảng 300 bức tranh quý, nhưng kho tàng lưu giữ lên đến 1.300 bức tranh, đều là những tác phẩm rất tiêu biểu cho các trường phái hội họa Việt Nam. Tôi có thể tự hào về Bảo tàng nghệ thuật Quang San, và tự hào nói rằng bảo tàng của người Việt Nam ta có thể sánh vai với nhiều bảo tàng nghệ thuật khác trong khu vực, để cùng phát triển mỹ thuật nói chung và nền hội họa Việt Nam".
Hiện nay, hiện vật của bảo tàng được chia thành 3 tầng trưng bày đi theo dòng chảy lịch sử hội họa Việt Nam, từ các khoá đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến giai đoạn kháng chiến, thời kỳ Đổi mới, thời kỳ đương đại và qua từng vùng miền lãnh thổ Bắc - Trung - Nam.
Song song cùng các trường đào tạo nghệ thuật đã góp phần thực thi bảo tồn văn hoá đất nước như Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (hiện là Trường cao đẳng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai), Trường vẽ Gia Định và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (hiện là Đại học Mỹ thuật TP.HCM), Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945), Quốc Gia Mỹ Nghệ (hiện là Trường đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội), Trường Mỹ thuật Việt Nam khoá kháng chiến (1950-1957), Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957 – nay, hiện là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) và Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (hiện là Đại học Nghệ thuật Huế).
Một số tác phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập của bảo tàng gồm có tranh của từng thời kỳ, ví dụ bắt đầu từ các bộ tứ kiệt hội họa nổi danh ở Việt Nam như; Thứ - Phổ - Lựu – Đàm (Mai Trung Thứ - Lê Phổ - Lê Thị Lựu – Vũ Cao Đàm), Trí - Cẩn – Vân – Lân (Nguyễn Gia Trí - Trần Văn Cẩn – Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân) hay Nghiêm – Liên - Sáng – Phái (Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng – Bùi Xuân Phái).
Bảo tàng cũng trưng bày tác phẩm của bộ tứ Nhân – Hòa - Hậu - Kiệm (Lưu Công Nhân – Lê Huy Hòa - Trần Lưu Hậu - Trọng Kiệm) thuộc mỹ thuật kháng chiến và những họa sĩ tiêu biểu cùng thời kỳ chiến tranh như Nguyễn Hiêm, Huỳnh Phương Đông, Mai Long, Nguyễn Thụ.
Ngoài ra, đại diện cho mỹ thuật Huế như Bửu Chỉ, Đinh Cường, Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận, những thành viên nhóm "Gang of Five" như Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, các danh hoạ miền Nam như Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Phước và nhiều họa sĩ khác đại diện cho nghệ thuật cả nước cũng có tranh hiện nằm trong bộ sưu tập đang được trưng bày ở bảo tàng.
Qua thời gian, các tác phẩm nghệ thuật bao gồm tranh và tượng mỹ thuật sẽ được luân phiên thay đổi và trưng bày theo sự hoạch định của bảo tàng.
Ngoài ra, không gian ở Bảo tàng Nghệ thuật Quang San còn là một địa điểm để tổ chức các sự kiện liên quan đến nghệ thuật như triển lãm, tọa đàm, hội thảo, workshop giao lưu và học tập của những người yêu thích nghệ thuật do bảo tàng thực hiện.
Bình luận (0)