Tại lễ bế mạc trại sáng tác năm 2021 tối 11.11, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương cho rằng, “đây là trại viết hồi sinh sau Covid -19 giàu năng lượng và cảm hứng sáng tác vì các nhà văn được trở về với nắng, gió nơi đất Phú trời Yên, được hít thở không khí trong lành, được gặp nhau, truyền cảm hứng nghề nghiệp... sau nhiều tháng ngày đóng cửa vì dịch bệnh”.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu tại trại sáng tác |
Nhà văn Bích Ngân (trái) và nhà văn Trầm Hương (phải) tặng hoa tri ân các đơn vị đồng hành |
Toàn cảnh lễ bế mạc trại sáng tác tối 11.11 |
quỳnh trân |
Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân chia sẻ thêm: "Gần 5 tháng trong tâm dịch, gần như cách ly với xã hội nên trong chuyến đi đến một vùng đất nghĩa tình này, mỗi người đều có được những cảm xúc tươi mới. Chính cảm xúc đã tạo nên nhiều cảm hứng sáng tác. Có người đã có những bài thơ hoàn chỉnh, có người đang viết dở tác phẩm, có người có được những ý tưởng sáng tạo và nhiều người đã phác thảo kế hoạch viết trong thời gian sắp tới thực sự quá phấn khởi".
Và chỉ trong hơn một tuần (từ ngày 6 - 11.11), đoàn nhà văn TP.HCM với nhiều lứa tuổi khác nhau háo hức đến với Phú Yên và "thu hoạch" về hàng chục tác phẩm, với nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tản văn và hàng chục bài báo đưa tin nhanh chóng, kịp thời các hoạt động trại sáng tác.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển cho biết, ông đã chấp bút một truyện ngắn về hậu Covid - 19, một bài thơ Đất Phú trời Yên và đề cương Trường ca mẹ. Nhà văn đại tá Nguyễn Minh Ngọc phấn khởi với bút ký Tuy Hoà ngày trở lại; nhà văn Trầm Hương chăm chút cho ký chân dung Người mẹ vọng phu về Bà mẹ VNAH Lê Thị Huệ ở huyện Tây Hoà, Phú Yên; Bến Vũng Rô và người anh hùng tàu không số; nhà văn Bích Ngân với truyện ngắn Còn người, như một xác tín con người là sinh vật đẹp đẽ nhất, còn người lửa sự sống sẽ được nhen lên, bóng tối sẽ bị đẩy lùi cho ánh sáng đề hồi sinh; nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ hoàn thành chùm tản văn Đến Tuy Hòa mà nhớ Tuy Hòa và ba bài thơ: Về Tuy Hòa, nhớ thương; Đêm Tuy Hòa ai nhớ?; Em và thành phố ngày mai, nhà văn Tiểu Quyên với các truyện ngắn: Nước ngàn năm, Đi hết miền đồi; tạp văn Thanh âm của bình minh và bút ký Mùa thương biển mặn.
"Sau gần 5 tháng chống chọi dịch bệnh trong tâm dịch gần như cách ly với xã hội nên trong chuyến đi đến một vùng đất nghĩa tình này, mỗi người đều có được những cảm xúc tươi mới", nhà văn Bích Ngân phát biểu tại lễ bế mạc. |
Những con đường nhẹ nhàng trong khu Đồi Thơm nơi đặt trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn |
Không gian trong lành, mát mẻ |
Nhà văn, GS-TS Trình Quang Phú hy vọng vùng đất Phú Yên sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà văn - nhà thơ của TP.HCM. |
Nhà văn Hoà Bình cho rằng, trại viết lần này trong một không gian trong lành tại khu nghỉ dưỡng Đồi Thơm chỉ có nắng, mưa và gió…thực sự như làn gió mát để các nhà văn có không khí sáng tác. Ngay khi về lại nhà chị cho biết sẽ sớm hoàn thành truyện ngắn Hạ cánh miền cổ tích và bút ký Người khai sinh Núi Thơm. Đặc biệt, nhà văn Trình Quang Phú gởi đến trại viết câu chuyện về Phú Yên với góc nhìn mới. Bởi vì Phú Yên là quê hương, nơi ông dốc hết tâm lực khai phá, đặt những viên gạch đầu tiên cho Đồi Thơm nổi tiếng ở xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh...
Từ thành công của trại viết, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân còn tiết lộ thêm thông tin: “Sắp tới Hội nhà văn TP.HCM sẽ phối hợp với công ty CP Xây dựng Du lịch Sao Việt tổ chức bản thảo giới thiệu những tác phẩm viết về Phú Yên, trong đó chú trọng chủ đề góp phần vực dậy đời sống tinh thần và đời sống vật chất từ đại dịch để in thành sách, đồng thời BCH Hội Nhà văn khóa 8 cũng sẽ mở trại viết lần thứ hai tại Khu nghỉ dưỡng sinh thái Đồi Thơm vào năm 2022 nhân dịp những tác phẩm viết về con người và vùng đất Phú trời Yên ra mắt độc giả vào thời gian này".
Theo Ban tổ chức trại sáng tác của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2021, các tác giả đã hoàn thành nhiệm vụ hơn cả sự mong đợi: Nhà văn - đại tá Đỗ Viết Nghiệm phóng khoáng với bút ký Chỉ cách nhau một khoảng trời; nhà văn Lại Văn Long với truyện ngắn Đêm mộng Tuy Hòa; nhà thơ Hương Thu hoàn thành hai bài thơ Phú Yên ơi! và Chiều hoa vàng; nhà văn Nguyễn Thị Kim Thanh vẫn không nguôi trăn trở về Nhà văn viết gì thời Covid -19 và bài thơ Tình Phú Yên; nhà văn Minh Phong với sự nhạy bén báo chí đã có ngay một phỏng vấn thú vị: Trò chuyện với Giáo sư Trình Quang Phú, và bút ký Một thoáng Phú Yên. Không dừng lại ở vai trò một nhà báo, chuyến đi này anh có quá nhiều rung cảm để viết nên truyện ngắn Bạn tốt của nhau. Nhà báo - nhà văn Lê Công Sơn khi đến với Núi Thơm trở nên tươi trẻ, lãng mạn không ngờ với ba tác phẩm Ngang triền dốc nhớ em, Ở nơi cỏ xanh hoa vàng và Dựa vào nỗi buồn; nhà báo Hồ Huy Sơn lãng mạn thả hồn với bài thơ Gió từ đồi thơm và một tản văn trăn trở thời Covid - 19. Nhà thơ - biên kịch Ngô Thị Hạnh với sự đa cảm khi trở về với thơ ca đã có hai bài thơ đầy ắp cảm xúc Phải lòng con gái Phú Yên và Ngày biển gọi. Nhà thơ Lương Định dẫu không còn trẻ nữa nhưng luôn rộng mở tâm hồn đón nhận thiên nhiên để tặng cho Núi Thơm hai thi phẩm Đêm tĩnh lặng Đồi Thơm, Bình minh ở Đồi Thơm, Đến Phú Yên. Và với anh, Phú Yên thật sâu lắng, đong đầy cảm xúc khi nhớ về một nhà thơ tài năng ngã xuống cho Tổ quốc để bật lên bài thơ tưởng niệm: Đến Phú Yên nhớ Nguyễn Mỹ. Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên với bút ký Nơi chốn bình yên. Nhà thơ Nguyên Trân có bài thơ Bình an Tuy An với lòng biết ơn sâu thẳm một miền đất an lành của Phú Yên.
Bình luận (0)