Theo nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Hội đồng chuyên môn và Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn đã làm việc với tinh thần cầu thị, với nỗ lực không bỏ sót bất kỳ mọi khám phá, tìm tòi nào ...để tìm ra những tác phẩm xứng đáng trao giải thưởng hàng năm. Một mặt BCH luôn tôn trọng đánh giá của các Hội đồng chuyên môn; mặt khác tranh luận, phản biện để đi đến quyết định trao giải thưởng và tặng thưởng. Mặc dù từng có 10 năm trong BCH, dù không muốn so sánh nhưng theo tôi giải thưởng năm nay là đầy đặn và chất lượng nhất, với đủ các thể loại: văn, thơ lý luận phê bình...”.
|
|
|
Được biết, trong số ba tác giả được trao giải thưởng thì điều bất ngờ là hai tác phẩm hồi ký – truyện ký của hai tác giả chưa là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM là đạo diễn Xuân Phượng (tác phẩm Gánh gánh gồng gồng...) và tác giả Bùi Quang Lâm (Đất K). Nhà văn đạo diễn Xuân Phượng (sinh năm 1929), dù tuổi năm nay đã cao nhưng bà...quá vui, có mặt ngay từ sáng sớm để nhận giải. Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá "những trang viết của bà đậm chất nữ tính sự từng trải, nhân hậu, trí tuệ đã làm sống dậy gần trọn một thế thế kỷ đầy biến động, đau thương, bi hùng của đất nước. Động cơ thôi thúc bà cầm bút là để hóa giải uẩn khúc được chôn giấu sau hơn nửa thế kỷ, tuôn ra cùng những giọt nước mắt đoàn viên".
Nhà văn Trầm Hương nói: “Dù đậm chất trữ tình, xót xa, bi phẫn... Nhưng trên tất cả là niềm tự hào về người phụ nữ Việt Nam không cúi đầu khuất phục nghịch cảnh, một người mẹ tràn ngập tình mẫu tử cao đẹp, một nghị lực phi thường vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử và số phận... Một hồi ký nhưng đậm chất điện ảnh, sâu thẳm nhân sinh; lấp lánh nước mắt thấm ướt, kết nối các thế hệ và ngân vang tiếng cười lạc quan từ trong chiến tranh tàn khốc; trong đói khổ, bóng tối những ngày hậu chiến, khao khát hướng tới tương lai tươi đẹp bằng nỗ lực kết nối con người...”.
Ngược lại, truyện ký Đất K Bùi Quang Lâm lại là những lát cắt chưa xa về những ngày hậu chiến khó khăn của đất nước, về những người mẹ tần tảo lo từng cái ăn cái mặc cho gia đình lại tiễn những đứa con ra chiến trường ác liệt.
Bấm chân qua tuổi dại khờ là tập thơ duy nhất được trao giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2020. Nói về sức hấp dẫn của tập thơ này, nữ văn sĩ Trầm Hương không giấu được cảm xúc khi trải lòng: “Ẩn đằng sau vẻ ngoài hầm hố, bặm trợn của người đàn ông không còn trẻ nữa là trái tim đa cảm, mềm yếu, mong manh của Cao Xuân Sơn. Anh đã tự hoạ chân dung mình:“Anh. Gã đàn ông lênh khênh, vạm vỡ/ đủ tự mình làm núi ngắm mình chơi. Nhưng vượt lên trên, giá trị cốt lõi của tập thơ được vinh danh giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020 là sự lắng đọng, chiêm nghiệm, triết lý bật lên một cách hồn nhiên từ trải nghiệm cuộc sống của anh".
|
|
|
So với mọi năm thì số tiền được trao của giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm nay có tăng khá hơn với 16 triệu đồng/giải và tặng thưởng 8 triệu đồng cho các tác phẩm Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (nhà thơ - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - hồi ký - NXB Tổng hợp TP.HCM); Đoản khúc chiều phù dung (Vũ Văn Song Toàn - tập truyện ngắn - NXB Trẻ); Đi tìm mỹ cảm văn chương (Trần Hoài Anh - tiểu luận – Phê bình – NXB Hội Nhà văn).
21 nhà văn – nhà thơ được kết nạp lần này, gồm: Đỗ Thị Anh, Phan Thị Thanh, Trúc Thuyên (Tống Phước Bảo), Đoàn Minh Phong, Đới Xuân Việt, Bùi Quang Lâm, Lê Công Sơn, Trần Võ Thành Văn, Đinh Thị Phúc (Phúc Đinh), Võ Thị Mai (Hoa Mai), Nguyễn Thị Dung (Thanh Dung), Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Hân (Phương Hùng), Nguyễn Thị Nguyệt (Nguyệt Thu), Nguyễn Đinh Nhật Lân (Chiêu Dương), Đoàn Lâm, Hồng Ngọc Châu, Nguyễn Văn Thành, Lê Thị Lựu (Thiên Hương), Nguyễn Thanh Hoàng, Nguyễn Thị Hường (Thu Hường), cũng đã được BCH Hội Nhà văn TP.HCM trao thẻ nhà văn và tặng hoa chúc mừng cho các tân hội viên trong những tình thân.
Bình luận (0)