Khởi động tuyến phà biển đầu tiên Cần Giờ- Vũng Tàu

14/12/2019 07:50 GMT+7

Bản sắc Sài Gòn - đô thị nằm giữa lòng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt đang dần được hồi sinh bằng nhiều dự án giao thông thủy.

Du lịch tàu biển giá rẻ

Những ngày qua, người dân TP.HCM xôn xao trước thông tin TP chuẩn bị khai trương tuyến phà biển đầu tiên kết nối huyện đảo Cần Giờ và TP.Vũng Tàu.
Theo nguồn tin từ Sở GTVT TP.HCM, nhằm phát triển vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy, từ đầu năm 2019, đơn vị này đã nghiên cứu khảo sát tuyến đường thủy bằng phương tiện phà biển chở ô tô từ H.Cần Giờ (TP.HCM) kết nối với TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Sau khi tổ chức đánh giá hồ sơ năng lực, Sở GTVT đã chọn được nhà đầu tư, đơn vị khai thác là Công ty TNHH MTV Quốc Chánh. Theo đó, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly khoảng 15 km (1 chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút, phương tiện có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 ô tô, tần suất khai thác dự kiến là 24 lượt/ngày.
Sau khi tuyến phà biển đầu tiên được triển khai, người dân từ các tỉnh Long An, Tiền Giang có nhu cầu đến Vũng Tàu có thể đi từ H.Cần Giuộc qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc (thời gian khoảng 30 phút), đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40 km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất.
Sau đó, tiếp tục đi phà biển khoảng 30 phút để đến Vũng Tàu. Như vậy, tổng thời gian hành trình từ H.Cần Giuộc đến TP.Vũng Tàu chỉ khoảng 2 giờ 30 phút (kể cả thời gian chờ phà), rút ngắn thời gian so với đi bằng đường bộ (qua tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Ở chiều ngược lại, trước đây, người dân và du khách từ TP.Vũng Tàu đi đến H.Cần Giờ bằng ô tô phải mất hơn 3 giờ 30 phút, nhưng bây giờ chỉ tốn khoảng 30 phút đi ô tô qua phà biển để đến tham quan H.Cần Giờ.
Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải đường bộ, khi chọn phương tiện phà biển, người dân còn có thể ngắm cảnh dọc theo 2 bên đường Rừng Sác cũng như đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn H.Cần Giờ như khu du lịch Rừng Sác, Vàm Sát… Nói cách khác, đây gần giống như một tour tàu biển giá rẻ.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM đánh giá tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động, kết hợp với các tuyến phà hiện hữu như phà Bình Khánh (nối H.Nhà Bè - Cần Giờ), phà Cần Giờ - Cần Giuộc (nối H.Cần Giờ - H.Cần Giuộc, tỉnh Long An) sẽ tạo điều kiện cho H.Cần Giờ kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế xã hội và du lịch của H.Cần Giờ nói riêng cũng như TP.HCM nói chung.

Doanh nghiệp chỉ đầu tư hệ thống tàu buýt, nhưng kết nối với giao thông đường bộ như thế nào, bến bãi ra sao lại là một đơn vị khác nắm. Mỗi ông một việc, thiếu kết nối, không đem lại sự thuận tiện nên người dân không dùng. Với tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu cũng vậy. Nếu không kết nối chặt chẽ với hành trình, lịch chạy phà tuyến Cần Giuộc - Cần Giờ thì rất khó đạt hiệu quả cao

KTS Ngô Viết Nam Sơn

“Trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để triển khai cầu bến khai thác phía TP.Vũng Tàu cũng như cấp phép hoạt động tuyến nhằm bảo đảm đưa tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu vào khai thác trong đầu tháng 4.2020”, vị này thông tin.

Kết nối để hình thành mạng lưới

Sài Gòn ba trăm năm trước, từ khởi thủy đã là một đô thị nằm giữa lòng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Người Sài Gòn xưa đi lại phần lớn bằng ghe thuyền trên hai con kênh lớn Thị Nghè và Bến Nghé để lượn ra con sông mẹ êm đềm, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất khoáng đạt này. Cùng với yêu cầu của sự phát triển giao thương giữa “Hòn ngọc Viễn Đông” với các nước láng giềng trong cả vùng Đông Nam Á, các con rạch nhỏ đã từng bước được xây sửa, mở rộng và nối dài thành kênh đào lớn để tiện cho giao thông thủy.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều con kênh thông với sông Sài Gòn đã bị san lấp để làm các đại lộ và đường phố rộng lớn. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đường bộ bế tắc khắp các ngả, giao thông đang trở thành nút thắt lớn nhất cản trở tốc độ phát triển của TP.HCM. Trước bài toán nan giải, lãnh đạo TP bắt đầu chuyển hướng đánh thức tiềm năng giao thông thủy với hơn 1.000 km sông, kênh rạch đang bị bỏ phí.
Không chỉ còn mang tính chất du lịch, nhiều dự án biến đường thủy thành mạng lưới giao thông phục vụ nhu cầu di chuyển hằng ngày của người dân đã được triển khai. Điển hình là hệ thống buýt đường sông đầu tiên của cả nước. Cuối tháng 11.2017, tuyến buýt đường thủy số 1 (bến Bạch Đằng, Q.1 - bến Linh Đông, Q.Thủ Đức) chính thức đưa vào khai thác phục vụ người dân đi lại. Tuyến buýt ra đời với kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông đường bộ vốn đang quá tải, tạo đa dạng loại hình giao thông công cộng cũng như phát triển du lịch đường thủy tại TP.
Kỳ vọng là vậy nhưng thực tế, sau hơn 2 năm triển khai, tuyến buýt đường sông vẫn chưa đảm nhận được nhiệm vụ giao thông. Hơn 70% người dử sụng vẫn là khách du lịch, đi thử một lần cho biết. KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc huy động xã hội hóa hình thành các dự án giao thông thủy nhằm giảm tải đường bộ, rút ngắn thời gian di chuyển là hướng đi đúng. Tuy nhiên bất cập trong phương thức tổ chức, kết nối khiến bất kỳ dự án nào liên quan đến sông nước cũng đều nhanh chóng “chết yểu”.
Theo ông Sơn, trước đây, mạng lưới giao thông thủy được kết hợp rất tốt với giao thông đường bộ, phục vụ việc đi lại cho người dân rất thuận tiện. Như từ phà Thủ Thiêm, xuống tới nơi là có chỗ gửi xe, bến tàu, bến phà nào cũng được bố trí hạ tầng, cơ sở thuận tiện cho việc di chuyển tiếp theo. Việc tổ chức đa phần do người dân tự phát, tự quản. Trong khi hiện nay, hạ tầng giao thông chủ yếu do nhà nước quản lý nhưng khi tổ chức lại thiếu sự phối hợp, dẫn tới hiệu quả kém.
“Tuyến buýt đường sông là một điển hình. Doanh nghiệp chỉ đầu tư hệ thống tàu buýt, nhưng kết nối với giao thông đường bộ như thế nào, bến bãi ra sao lại là một đơn vị khác nắm. Mỗi ông một việc, thiếu kết nối, không đem lại sự thuận tiện nên người dân không dùng. Với tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu cũng vậy. Nếu không kết nối chặt chẽ với hành trình, lịch chạy phà tuyến Cần Giuộc - Cần Giờ thì rất khó đạt hiệu quả cao”, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá và đề xuất xã hội hóa các dự án đường thủy là phải giao tư nhân làm trọn gói. Một đơn vị sẽ xây dựng, vận hành từ hệ thống phương tiện đường thủy đến kết nối giao thông công cộng đường bộ, bến bãi. Có thể hình thành thêm một tuyến buýt đường bộ riêng gom khách tới vị trí bến đỗ, miễn sao thành một hệ thống khép kín, thuận tiện nhất, đủ thu hút người dân bỏ đường bộ, chọn đường thủy.
Khách đi buýt đường sông tăng 15%
Mặc dù chưa thu hút được người dân sử dụng hằng ngày nhưng hoạt động của tuyến buýt thủy đầu tiên vẫn đang có dấu hiệu khả quan. Tỷ suất lấp đầy trung bình của tàu vẫn đạt tới 70%. Lượng khách đi tàu tính đến hết tháng 10.2019 đạt 269.900 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ 2018. Hiện tại, số lượng các bến của tuyến 1 còn ít, TP và doanh nghiệp đang gấp rút triển khai cho đủ số các bến như dự án được duyệt. Sau khi xây dựng hoàn thiện tất cả các bến (kết nối các hướng tuyến trong TP), tỷ suất sử dụng buýt đường sông chắc chắn sẽ cao hơn.
Ông Nguyễn Kim Toản
(Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư tuyến buýt đường sông số 1)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.