Người nay làm việc xưa

Hồi sinh nghề khảm 'rồng bay phượng múa'

23/11/2023 06:50 GMT+7

Hàng trăm nghệ nhân mộc, nề, chạm, khảm, sơn son thếp vàng, phục chế pháp lam… được huy động trùng tu cung điện triều Nguyễn, trong đó không thể thiếu những nghệ nhân khảm sành sứ. Chính họ đã hồi sinh dáng vẻ quyền uy của rồng bay phượng múa trên nóc cung điện.

"GIẢI PHẪU" RỒNG PHƯỢNG HÀNG TRĂM TUỔI

Những nghệ nhân khảm sành sứ được giao đảm trách việc phục chế những trang trí rồng, phượng, hoa văn trên nóc cung điện. Họ cần có tay nghề khéo léo, tỉ mẩn, kỳ công và khiếu mỹ thuật.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần (ở xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đang đảm trách đội nghệ nhân gần 20 người. Cũng như đội thợ gỗ, họ đã trải qua 2 năm ròng rã tạo hình, phục dựng mảng trang trí rồng phượng trên nóc điện Thái Hòa.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần cho hay một người thợ kép muốn trở thành nghệ nhân thường phải "tầm sư học đạo" với những bậc thâm niên, uy tín, có tay nghề cao. Mỗi học trò để có thể trở thành thợ kép phải theo thầy từ 3 - 5 năm để vừa học vừa làm. Những thợ kép cao cấp làm việc cho các công trình lớn của cung đình thường chỉ cha truyền con nối. Đặc biệt, thợ kép đảm trách khảm sành sứ tạo hình thành những tác phẩm nghệ thuật rồng, phượng trên nóc các cung điện lại càng hiếm.

Hồi sinh nghề khảm “rồng bay phượng múa” - Ảnh 1.

Nghệ nhân Trương Lực (52 tuổi, ở thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, H.Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) có 30 năm với nghề khảm rồng ở các di tích cố đô Huế

Bùi Ngọc Long

Riêng ông Thuần, mới 41 tuổi, nhưng đã có hơn 20 năm theo nghề khảm sành sứ trong các công trình phục hồi di tích cố đô Huế. Ông có cơ duyên đến với nghề qua người thầy là nghệ nhân Trương Văn Ấn, một tên tuổi lão làng trong nghề khảm sành sứ ở cố đô Huế, từng đảm trách nhiều công trình phục hồi rồng phượng, trang trí khảm sành sứ trên các công trình trùng tu di tích hơn 30 năm qua. "Mình cũng nhiều lần ra làm ngoài rồi, nhưng không hiểu sao quay đi quay lại vẫn phải trở vào làm việc trong các công trình trùng tu di tích triều Nguyễn, như một cơ duyên khó dứt", ông Thuần chia sẻ.

Tại xưởng phục chế rồng phượng của nghệ nhân Nguyễn Thanh Thuần hiện có hàng chục đôi rồng tạo hình bằng bê tông cốt thép, đang được các nghệ nhân tỉ mẩn ghép những mảnh sành sứ để tô điểm thành tác phẩm nghệ thuật theo nguyên mẫu. Cạnh những đôi rồng mới, có những đôi rồng tuổi đời hàng trăm năm trên nóc điện Thái Hòa được đưa xuống làm mẫu.

Các nghệ nhân sau khi tạo hình theo nguyên mẫu bằng bê tông cốt thép thì bắt đầu "giải phẫu" những mảng ghép sành sứ còn tốt trên những đôi rồng cũ để khảm lại lên thân rồng mới. Phần còn thiếu sẽ được bổ sung từ hàng tấn mảnh sành sứ cổ mua lại của những người chuyên trục vớt trên các dòng sông của Huế và miền Trung. Từng mảnh sành một được nghệ nhân kết dính bằng xi măng. Ngày này qua ngày khác, cứ thể đôi rồng dần được tạo hình mắt, mũi, chân, vảy… uy nghi, sống động.

ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT "KHẢM SÀNH SỨ"

Theo khảo cứu của tác giả Hồ Hoàng Thảo, nghề khảm sành sứ có từ thế kỷ 18, ban đầu lưu truyền trong dân gian, về sau mới trở thành nghệ thuật phục vụ nhiều trong chốn cung đình. Các loại vật liệu khảm sành sứ được lựa chọn từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ xưa, vì vậy nguồn nguyên liệu luôn khan hiếm. Song, dưới lòng sông Hương lại luôn cung cấp đủ bởi thuở đó tàu thuyền chở các vật phẩm đi lại trên con sông này nhiều vô kể. Chính nhờ lượng lớn gốm sứ đó mà nghệ thuật khảm sành sứ trong lăng tẩm, đền, chùa và nơi thờ cúng ở Huế đã phát triển cực thịnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất cố đô.

Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, nghệ thuật khảm sành sứ trên các công trình ở Phú Xuân vào đầu thế kỷ 18 được ghi nhận như sau: "Nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng…Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi mật và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…".

Nghệ thuật khảm sành sứ tiếp tục phát triển rực rỡ dưới thời Nguyễn, trong đó thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã sử dụng loại hình trang trí này, đến thời Tự Đức thì khảm sành sứ đã mang tính trang trí. Thời Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu phát triển rực rỡ. Trang trí khảm sành sứ vôi nề cũng đã xuất hiện ở hàng loạt kiến trúc như cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình lâu ngự lãm, điện Kiến Trung… Những nghệ nhân tài ba đã thể hiện các đề tài từ dân gian cho đến cung đình, gồm tứ linh, bát bửu, nhật nguyệt, 12 con giáp… Những con vật, cây trồng gần gũi trong đời sống và những đồ dùng mang tính thời đại mới như đồng hồ, đèn Hoa Kỳ, kính lúp… cũng được sử dụng để trang trí, dung hợp với những mảnh sứ tốt nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản có nhiều màu sắc quý đẹp như màu cam, màu ngọc hay kết hợp với chất liệu mới là kính thủy tinh màu nhập từ Pháp.

Triều Nguyễn kết thúc vai trò lịch sử từ năm 1945, nhưng nghệ thuật khảm sành sứ vẫn phát triển ở Huế như một phong cách trang trí đặc trưng của công trình xây dựng truyền thống và tâm linh. Nghề khảm sành sứ, vì vậy, được lưu truyền và ngày nay chính những nghệ nhân đam mê giữ nghề; họ đã có cơ hội quay trở lại phục vụ trong các công trình trùng tu đền đài, cung điện triều Nguyễn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.