Hồi sinh tập tục vùng cao Quảng Trị: Rừng xanh vang tiếng chiêng, cồng

05/03/2023 07:22 GMT+7

Người Vân Kiều, Pa Kô dẫu sống trong nghịch cảnh vẫn yêu thích hát ca. Những điệu nhạc, lời ca của họ mai một theo tháng năm, nhưng có thể bùng cháy trở lại nếu biết cách khơi gợi.


KHƠI LẠI CÁC LÀN ĐIỆU CŨ

Những lời hát giao duyên "Tà oải", "Xà nớt"…, những tiếng chiêng, tiếng cồng ngày một vơi bớt. Biết hát biết đánh, thích nghe thích đánh những thứ nhạc cụ, âm thanh xưa cũ ở vùng cao Quảng Trị, giờ chỉ còn là những người già.

Trong nhiều lễ hội, đồng bào từng đánh chiêng đánh cồng, hát múa thâu đêm suốt sáng. Sợ một ngày nào đó, trên núi rừng này, trong những bản làng này không còn ai mặn mà với những loại nhạc cụ dân tộc, những làn điệu dân ca, những màn dân vũ..., chính quyền và ngành văn hóa ở vùng cao đã vào cuộc.

Hồi sinh tập tục vùng cao Quảng Trị: Rừng xanh vang tiếng chiêng, cồng - Ảnh 1.

Trường tiểu học và THCS A Xing ra mắt CLB dân ca Vân Kiều, Pa Kô

THANH LỘC

Ở H.Đakrông, tháng 12.2022, lần đầu tiên mô hình bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ tại làng, bản văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kô ở xã Tà Rụt được xây dựng. Công đầu thuộc về Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Quảng Trị, cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương. Tham gia mô hình là 30 học viên là hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ, thường xuyên sử dụng nhạc cụ truyền thống và hát dân ca trên địa bàn xã. Ở đây, những chàng trai, cô gái Pa Kô trẻ tuổi được nghệ nhân truyền dạy các làn điệu TêrAtéK, TêrYưưng, Xiêng, Kăn A-Un... Bà Lê Thị Việt Hà, Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Quảng Trị, cho hay trung tâm sẽ nhân rộng mô hình ở nhiều làng bản khác. Bà Hà tin rằng với mô hình này, những hạt nhân sẽ mang làn điệu truyền thống trở lại với những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lễ hội của người bản địa.

Trong khi đó, ở H.Hướng Hóa, chỉ riêng năm 2022, Phòng VH-TT đã mở được 3 lớp tập huấn đánh cồng chiêng, 3 lớp tập huấn dân ca, dân vũ truyền thống cho đồng bào thiểu số. "Chúng tôi không tham vọng rằng sau vài ba lớp tập huấn, người học sẽ trình diễn được như các nghệ nhân. Nhưng chúng tôi muốn qua đó sẽ khơi dậy lòng tự hào về bản sắc dân tộc của đồng bào. Họ sẽ yêu những gì thuộc về dân tộc mình, trong đó có tiếng cồng chiêng, tiếng hát giao duyên réo rắt…", bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng VH-TT H.Hướng Hóa, chia sẻ.

Nhưng thực tế diễn ra còn tốt hơn cả điều bà Huyền kỳ vọng. Sau những khóa tập huấn ngắn ngày, toàn H.Hướng Hóa đã thành lập được 5 CLB cồng chiêng (ở TT.Lao Bảo, TT.Khe Sanh, xã Lìa, xã Xi, xã Tân Lập) và 1 CLB hát dân ca (ở xã Hướng Phùng).

ĐƯA DÂN CA VÀO TRƯỜNG HỌC

Theo bà Huyền, dù có chữ viết (thô sơ) hay không có chữ viết, người Vân Kiều và Pa Kô vẫn gìn giữ được những làn điệu dân ca cổ xưa là bởi ngày trước họ hát khắp mọi nơi. Hát khi ru con, hát khi giao duyên, hát khi lên nương rẫy, thậm chí chỉ cần thoáng gặp nhau cũng hát. "Họ gặp nhau có khi không chào nhau bằng lời nói mà chào nhau bằng câu hát, kiểu như... xuất khẩu thành thơ, thành nhạc", bà Huyền nói. Chính vì thế, cần phải để các bạn trẻ Pa Kô, Vân Kiều nghe nhiều những câu hát cũ để tạo thói quen, rồi từ thói quen dần biến thành niềm yêu thích. Không nơi đâu phù hợp "gieo mầm" cho bằng trường học.

Từ tháng 10.2022, Trường tiểu học và THCS A Xing (xã Lìa, H.Hướng Hóa) lần đầu ra mắt CLB dân ca Vân Kiều, Pa Kô. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng có lý do để lo lắng khi thấy một số giá trị văn hóa tốt đẹp của người Vân Kiều, Pa Kô đang ngày càng mai một. Lớp trẻ không mặn mà với tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa truyền thống... Ngay từ buổi đầu khai giảng, nhà trường đã mời Nghệ nhân ưu tú Kray Sức và nghệ nhân Hồ Văn Việt (cùng trú bản A Liêng, xã Tà Rụt, H.Đakrông) đến "thỉnh giảng". Đến nay, CLB đã có 64 thành viên, trong số đó nhiều em có thể biểu diễn thuần thục các bài hát dân ca, điệu múa cũng như sử dụng các nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều.

"Em tự hào vì được hát bằng ngôn ngữ của đồng bào mình. Và giờ em muốn được biết nhiều bài hát hơn để có thể biểu diễn trước mọi người, cho họ biết về cha ông chúng em, những người Vân Kiều", Hồ Thị Linh, thành viên trẻ của CLB đang học lớp 8A, tâm sự. Không chỉ ở Trường A Xing, mà việc truyền dạy dân ca, đánh chiêng đánh cồng vào những tiết học ngoại khóa đang trở thành làn gió mát ở nhiều cơ sở giáo dục vùng cao Hướng Hóa. Ngay tại Trường tiểu học Thuận (xã Thuận), các em nhỏ cũng được tiếp cận.

"Điều tuyệt nhất là từ cái không mặn mà ban đầu, giờ đây bọn trẻ đã yêu thích, một cách vô điều kiện. Nếu tiếp tục theo đuổi đam mê một cách tử tế, biết đâu các em sẽ là những nghệ nhân bảo tồn văn hóa dân tộc trong tương lai", thầy Trọng mong ước.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.