Hồi sinh vườn trầu Vị Thủy

30/01/2013 09:46 GMT+7

Xã Vị Thủy (H.Vị Thủy, Hậu Giang) là địa phương trồng nhiều trầu nhất ở ĐBSCL. Trầu Vị Thủy vừa là nét văn hóa truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu của nhiều người trong đời sống thường nhật và trong dịp lễ tết, cưới hỏi. Gần đây, trầu Vị Thủy còn được xuất khẩu sang một số nước châu Á, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng trầu.

Xã Vị Thủy (H.Vị Thủy, Hậu Giang) là địa phương trồng nhiều trầu nhất ở ĐBSCL. Trầu Vị Thủy vừa là nét văn hóa truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu của nhiều người trong đời sống thường nhật và trong dịp lễ tết, cưới hỏi. Gần đây, trầu Vị Thủy còn được xuất khẩu sang một số nước châu Á, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng trầu.

Tạo dựng cơ nghiệp… nhờ trầu

Vườn trầu của bà Tư Lý (71 tuổi, ở ấp 5) rộng khoảng 2 công đất, trồng hơn 1.500 nọc. “Hồi trước, cha mẹ thường hay ăn trầu nhưng mua rất mắc. Thấy vậy, tôi  tìm mua nọc trầu về trồng cạnh nhà, sau đó nhân lên được 3 nọc, rồi 9 nọc… dần dần phát triển thành vườn trầu. Tính ra từ lúc trồng nọc trầu đầu tiên đến giờ đã hơn 50 năm rồi”, bà Lý nói.

Hồi sinh vườn trầu Vị Thủy 
Vườn trầu Vị Thủy, một trong những nét văn hóa địa phương

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cộng với cần cù, chịu khó chăm sóc nên vườn trầu của bà Lý mỗi ngày một lớn thêm. Đặc biệt, do không sử dụng thuốc trừ sâu nên trầu của bà Lý được nhiều người ưa chuộng vì là “trầu sạch”. Bình quân mỗi tháng bà thu hoạch từ 2 - 3 đợt, được thương lái đến tận nhà mua với giá 1.600 - 2.000 đồng/ốp (1 ốp bằng 40 lá trầu). Riêng dịp Tết Nguyên đán, trầu “sốt” giá lên đến 5.000 đồng/ốp, số lượng không đủ bán. Không chỉ bán lá, bà Lý còn là người chuyên làm trầu giống để bán, với giá bình quân 20.000 đồng/nọc. Dựa vào vườn trầu lá và trầu giống, vậy mà đời sống của gia đình bà phất lên ngó thấy. Bà cũng là người đầu tiên ở địa phương trồng trầu xây được nhà tường kiên cố.

 Hồi sinh vườn trầu Vị Thủy 2
Vị Thủy (Hậu Giang) là nơi có vườn trầu lớn nhất ĐBSCL

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng The (ở ấp 4, xã Vị Thủy) cũng đổi đời nhờ trầu. Vợ chồng lấy nhau trong hoàn cảnh khó khăn, chỉ được cha mẹ chia cho vài công ruộng nên nhà cứ thiếu trước, hụt sau. Chị The nảy sinh ý định làm thêm nghề phụ nhằm có “đồng ra đồng vô” chi tiêu trong nhà và cây trầu được chọn để thử vận. Thấy chị trồng trầu, nhiều người bảo làm chuyện viễn vông bởi mỗi tháng bán vài lá trầu kiểu “lượm bạc cắc” thì bao giờ mới khá lên được. Chị The gạt bỏ ngoài tai, ngày đêm  âm thầm chăm sóc vườn trầu. Tháng nào trầu có giá chị thu hoạch 3 đợt, khi giá giảm lại thì thu hoạch 2 đợt. Cứ sáng ra đồng, chiều về quanh quẩn bên vườn trầu. Góp gió thành bão, chẳng bao lâu chị có được số tiền dư kha khá, cất được nhà tường và còn dư tiền mua thêm 7 công đất để mở rộng quy mô sản xuất. “Gia đình tôi trồng hơn 2.000 nọc trầu, cứ mỗi đợt thu hoạch bỏ túi từ 3 triệu đồng trở lên. Riêng dịp Tết Nguyên đán thu vào không dưới 50 triệu đồng từ bán trầu. Nhờ vậy mới nuôi nổi 9 đứa con khôn lớn”, bà Nguyễn Thị Bảy (cũng ở xã Vị Thủy) tâm sự.

Quyết giữ vườn trầu

Ông Mai Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã Vị Thủy, cho biết toàn xã hiện có 30 ha chuyên canh trầu đặc sản, với hơn 170 hộ tham gia. Thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 60%  hộ trồng trầu có đời sống khá giả, số còn lại ở mức trung bình. Cùng với vườn trầu ở Hóc Môn - Bà Điểm (TP.HCM), vườn trầu Vị Thủy nổi tiếng khắp miền Nam, được tiêu thụ ở các tỉnh thành ĐBSCL (đặc biệt những nơi có đông đồng bào Khmer) và xuất khẩu đi một số thị trường như Campuchia, Đài Loan… Cũng theo ông Vui, trước giờ trầu được trồng kiểu nhỏ lẻ, người dân tự tìm đầu ra nên giá cả lên xuống rất thất thường do phụ thuộc vào thương lái. Để người trồng trầu an tâm sản xuất, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ vốn vay như những cây trồng khác; đồng thời tạo sự gắn kết giữa người dân với thương lái nhằm thống nhất với nhau về giá cả, thời gian thu hoạch, số lượng tiêu thụ…

Ông Lê Hoàng Tiến, Phó trưởng phòng Văn hóa H.Vị Thủy, cho biết trồng trầu có thu nhập cao gấp 10 lần làm ruộng. Ngoài ra, vườn trầu còn là nét văn hóa đặc thù của Vị Thủy nên cần được giữ gìn và phát triển. “Chúng tôi đang đề xuất các ngành chức năng xem xét quy hoạch lại vườn trầu Vị Thủy, vừa giúp người dân đẩy mạnh sản xuất tăng thu nhập, giữ nét văn hóa; đồng thời gắn với du lịch tham quan vườn trầu, đờn ca tài tử”, ông Tiến nói.

 An Lạc

>> Miếng trầu
>> Ăn trầu kiểu… vua
>> Lá trầu giúp ngừa ung thư tủy
>> Trầu, thuốc của mẹ cha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.