Tại hội thảo, tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, cho rằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy tăng trưởng GRDP, phát triển doanh nghiệp và giải quyết việc làm không chỉ cho Quảng Ngãi, miền Trung mà còn cho GDP của cả nước.
Theo tiến sĩ Hiệp, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ" là để thúc đẩy xây dựng thành công trung tâm lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi, với hệ sinh thái công nghiệp hóa dầu gắn với công nghiệp lọc dầu.
Còn theo Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, lũy kế đến nay đã có 347 dự án đầu tư vào Quảng Ngãi với tổng vốn đăng ký đầu tư 353.499 tỉ đồng (hơn 18,5 tỉ USD), trong đó có 58 dự án nước ngoài (1,85 tỉ USD).
Từ khi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước, với quy mô nền kinh tế đạt 121.668 tỉ đồng, đứng 18/63 tỉnh, thành cả nước.
Giai đoạn 2009-2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng góp ngân sách cho Trung ương 115.000 tỉ đồng và thuế xuất nhập khẩu từ khu kinh tế này khoảng 56.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, cũng theo Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho Khu kinh tế Dung Quất là 1.583 tỉ đồng (bằng 0.9% nguồn thu).
Hiện nay, hạ tầng khu kinh tế đang xuống cấp, nên giai đoạn 2022-2025, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ có mục tiêu ngân sách từ nguồn thu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội tại đây.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tác động của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc thu hút đầu tư, phát triển ngành thương mại, vận tải, an sinh xã hội, văn hóa và việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Kết luận hội thảo, ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, các ý kiến tham luận của đại biểu đều khách quan, nhất là của các nhà khoa học, đã đưa ra các nghiên cứu khoa học rất có trách nhiệm, dựa trên các số liệu, dữ liệu công phu.
Theo ông Phương, đóng góp của Nhà máy lọc dầu đối với Quảng Ngãi, miền Trung và đất nước là rất rõ. Qua thời gian, sự đóng góp này càng thể hiện rõ hơn. Ví dụ, giá trị thu nhập bình quân đầu người ở Quảng Ngãi năm 2005 là 319 USD/năm, năm 2022 là hơn 3.900 USD/năm. Còn thu ngân sách, năm 2005 tỉnh Quảng Ngãi thu hơn 540 tỉ đồng, đến năm 2022 đã là hơn 33.000 tỉ đồng. Đây là con số chỉ ra rất rõ những đóng góp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng theo ông Phương, nhà máy còn là thỏi nam châm thu hút các dự án lớn vào Khu Kinh tế Dung Quất, như Nhà máy thép Hòa Phát – Dung Quất, Doosan Vina và kéo theo hàng loạt dự án khác đã và đang đầu tư vào đây.
"Nếu không có Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì không thể nào có đầu tư cảng biển nước sâu Dung Quất, không có định hình Khu Kinh tế Dung Quất và các dự án lớn sau này", ông Phương khẳng định.
Tuy nhiên, Khu Kinh tế Dung Quất hiện đã định hình lại để kiểm soát, quản lý được về mặt môi trường, tránh trường hợp phát triển kinh tế đến mức không thể kiểm soát được. Nếu phát triển như vậy thì không thể bền vững được.
Theo ông Phương, định hướng phát triển Khu Kinh tế Dung Quất là sự phát triển xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững, phát triển thông minh và phát triển theo hướng công nghiệp, du lịch. Theo đó, công nghiệp ở Khu Kinh tế Dung Quất sẽ phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, sản phẩm. Còn du lịch là yếu tố sinh thái.
"Nếu chúng ta gắn du lịch vào đây thì ý thức bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư, của người dân sẽ rõ. Cái hay ở Khu Kinh tế Dung Quất là tận dụng vùng ven biển từ Khu đô thị Vạn Tường đến xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kết nối đảo Lý Sơn để kết nối du lịch ven biển. Đó cũng là yếu tố gắn công nghiệp với du lịch", ông Phương nói.
Bình luận (0)