Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà khoa học, chính quyền địa phương cùng trao đổi, bàn luận về những yêu cầu cấp thiết đặt ra, những quan điểm luận chứng mới về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Thông qua Hội thảo nhằm đúc rút, khái quát những luận điểm cốt lõi, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Từ chủ trương đúng
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngày 4.10.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Tiếp đó, ngày 22.11.2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10.6.2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Đây là những mốc son quan trọng trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội 20 năm với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách cũng như thể hiện tính ưu việt của hoạt động này.
Hiện nay, NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Hoạt động giao dịch tại 10.438 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức "giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã" là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH.
Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam. "Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng", Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19.5.2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ.
Đến 31.7.2023, tổng nguồn vốn TDCS xã hội đạt gần 325 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỉ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35 nghìn tỉ đồng, tăng 30.863 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Hàng triệu hộ thoát nghèo bền vững
Các chương trình TDCS được triển khai hiệu quả các vùng trong cả nước, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế từng bước phát triển. Tổng dư nợ các chương trình TDCS đến ngày 31.7.2023 đạt trên 305 nghìn tỉ đồng, tăng gần 176 nghìn tỉ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách hằng năm đạt khoảng 10%. Dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109 nghìn tỉ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỉ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75 nghìn tỉ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn TDCS đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động…
Bình luận (0)