Cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, ngoại giao trên cả nước và tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, hội thảo còn có sự tham gia của chuyên gia các lĩnh vực.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã tham gia 18 báo cáo, nghiên cứu, tham luận với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử” (13 tham luận) và đề xuất “Giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống” (5 tham luận). Các báo cáo, nghiên cứu, tham luận tại hội thảo đã bổ sung tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công bố một số tài liệu mới từ các nguồn nước ngoài mà các nhà nghiên cứu mới sưu tập được; đánh giá việc thực thi chủ quyền nhà nước và chủ quyền lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xuyên suốt, đặc biệt là từ thời Pháp thuộc (1884) đến nay, trong đó có các giai đoạn: từ 1884 -1954, từ 1954 - 1975, và từ 1975 đến nay.
TS Nguyễn Thanh Minh trong tham luận “Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” khẳng định: "Nhà nước quân chủ Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi chưa có bất kỳ quốc gia nào xác lập chủ quyền" và các giai đoạn lịch sử tiếp theo, Việt Nam đã thực thi chủ quyền xuyên suốt, liên tục đến nay. TS Nguyễn Thanh Minh còn chia sẻ những thách thức và thuận lợi trong bối cảnh hiện nay, một số thông tin từ thực địa mới nhất.
Đề xuất giải pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, TS Nguyễn Thanh Minh nêu ý kiến: “Nhà nước cần tập trung đầu tư xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa lực lượng hải quân, cảnh sát biển với việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới”.
Bình luận (0)