Hội thảo khoa học về đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

29/11/2024 11:09 GMT+7

Nhiều công lao, đóng góp của thiếu tướng Hoàng Sâm, người con Quảng Bình, đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được nhìn nhận đầy đủ tại hội thảo khoa học tổ chức sáng 29.11.

Sáng 29.11, tỉnh Quảng Bình phối hợp với Viện Lịch sử quân sự tổ chức hội thảo khoa học "Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình" nhằm khẳng định, tôn vinh những cống hiến, hy sinh của ông đối với cách mạng Việt Nam.

 - Ảnh 1.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, lực lượng vũ trang, các bạn trẻ

ẢNH: THANH LỘC

Thiếu tướng Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong gia đình nghèo ở miền quê Quảng Bình giàu truyền thống cách mạng. Chứng kiến cảnh lầm than của người dân nô lệ dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, người thiếu niên Trần Văn Kỳ sớm có lòng căm thù đế quốc, phong kiến và đã tham gia hoạt động cách mạng từ khi nhỏ tuổi.

Trong hơn 40 năm hoạt động cách mạng ở Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, được Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện, tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ, cương vị quan trọng, ông đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, luôn tỏ rõ tài năng, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, nhà chỉ huy quân sự tài năng của quân đội, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Trong đó, ông từng là đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (thành lập ngày 22.12.1944), Khu trưởng Chiến khu 2, Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Tiến, Tư lệnh Liên khu 3 (thời kháng chiến chống Pháp), Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên (thời kháng chiến chống Mỹ).

Ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên năm 1969.

 - Ảnh 2.

Thiếu tướng Hoàng Sâm

ẢNH: T.L

Ban tổ chức hội thảo nhận được hơn 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, tỉnh Quảng Bình, Viện Lịch sử quân sự và một số tỉnh, thành; thủ trưởng một số quân khu, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học...

Theo đánh giá của ban tổ chức hội thảo, mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể nhưng đều tập trung làm rõ cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của thiếu tướng Hoàng Sâm đối với cách mạng Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đánh giá: "Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, nhiều chiến trường khác nhau, song trong mọi điều kiện hoàn cảnh, thiếu tướng Hoàng Sâm luôn thể hiện phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, luôn thể hiện những phẩm chất ưu tú của một người chỉ huy tài năng, người cán bộ cần mẫn, tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức đem trí lực, tài lực của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân".

 - Ảnh 3.

Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đánh giá những đóng góp của thiếu tướng Hoàng Sâm là rất to lớn

ẢNH: THANH LỘC

Cũng theo ông Quang, hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân; là dịp để khẳng định và tôn vinh những cống hiến của thiếu tướng Hoàng Sâm đối với cách mạng Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là dịp giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Quảng Bình nâng cao hơn nữa lòng tự hào về truyền thống quê hương, niềm vinh dự và trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.