Tại hội thảo, hơn 50 đại biểu là học giả đến từ Úc, Canada, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Ý, Philippines, Thụy Điển, học giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu, luật gia trong nước và đại diện một số bộ, ngành T.Ư và tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan.
Đó là: Quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; các phương thức thụ đắc lãnh thổ được luật pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi; chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật pháp quốc quốc tế; phương thức giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và các vấn đề liên quan ở biển Đông hiện nay.
|
Các học giả đã đưa ra các bằng chứng, căn cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc hoàn toàn không có các chứng cứ để khẳng định chủ quyền của họ đối với hai quần đảo này mà lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam.
TS Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Sa-Trường Sa, nói: “Chúng ta có nhiệm vụ chứng minh sự thực lịch sử mà Việt Nam đã xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa để các học giả nước ngoài cùng quan tâm, thảo luận. Bởi lẽ tìm ra được sự thật lịch sử mới đưa ra được những giải pháp tốt”.
|
GS Jonathan D.London (Trường ĐH University of Hongkong) cho rằng quan điểm của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa là hoàn toàn hợp lý. Theo ông, vấn đề hiện nay là Việt Nam nêu rõ cơ sở pháp lý để huy động sự hợp tác của quốc tế nhằm giúp Việt Nam cũng như cả khu vực ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông”.
|
Ngoài việc phê phán yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” ở biển Đông của Trung Quốc, nhiều học giả chỉ ra việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” và ráo riết triển khai các hoạt động củng cố cái gọi là “Tam Sa”, nhất là thiết lập cơ quan chỉ huy quân sự ở thành phố “Tam Sa”… chính là nguyên nhân gây cho tình hình biển Đông căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải.
PGS-TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, thông báo kết thúc hội thảo, các đại biểu nhất trí quan điểm hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là xu thế hiện nay trên thế giới giúp cho các nước tránh những va chạm, xung đột. Vì thế, các tranh chấp ở biển Đông cũng cần được giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế.
Tin, ảnh: Hiển Cừ
>> Hội thảo quốc tế về biển Đông tại Anh
>> Hội thảo về biển Đông tại Pháp
>> Hội thảo về biển Đông tại Úc
>> Giới thiệu luật Biển Việt Nam tại hội thảo quốc tế
>> Hội thảo về biển Đông tại New York
>> Khai mạc Hội thảo về biển Đông
Bình luận (0)