Hội thảo quốc tế 'Tân học' giữa bối cảnh tranh cãi 'Tiên học lễ, hậu học văn'

26/11/2021 20:09 GMT+7

Hội thảo quốc tế 'Tân học' trực tuyến diễn ra trong bối cảnh trên các diễn đàn đang tranh cãi 'Tiên học lễ, hậu học văn' là một trùng hợp thú vị.

Ngày 26.11, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Đại Sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp Việt Nam, Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Aix Marseille (Pháp) và Tổ chức The HEAD Foundation (Singapore), với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: “Giáo dục Tân học ở Đông Á và Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20”.

Hội thảo khoa học quốc tế về chủ đề "Tân học" tại điểm cầu Trường ĐH Sư phạm, Đại học Huế

Mai Lan

Tham dự hội thảo có 6 diễn giả chính đến từ các nước Việt Nam, Nga, Pháp, Singapore, gồm: PGS.TS. Trương Công Huỳnh Kỳ (nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế), PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Ngọc, PGS.TS. Olivier Bailblé, PGS.TS. LI Shiwei (Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Aix Marseille, Cộng hòa Pháp), GS.TSKH. Vladimir N. Kolotov (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Cộng hòa Liên bang Nga), GS. S.Gopinathan (nguyên Viện trưởng Viện Quốc gia giáo dục Singapore, Cố vấn cao cấp Tổ chức The HEAD Foundation).

Hội thảo cũng đã chọn trình bày 61/80 báo cáo (toàn văn và tóm tắt) gửi đến từ hơn 40 cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh, tập trung vào các chủ đề: Giáo dục Tân học ở Việt Nam, Giáo dục Tân học ở Đông Á, Văn học, Giáo dục học và văn hóa.

“Tân học”, cuộc cách mạng giáo dục tại Đông Á

Theo báo cáo đề dẫn của ban tổ chức, từ giữa thế kỷ 19, trước những thay đổi có tính chất bước ngoặt của lịch sử châu Á thách thức nghiêm trọng đối với tồn vong của mỗi quốc gia dân tộc, những tác động to lớn của văn minh phương Tây từ sau cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật lần thứ nhất diễn ra từ nửa sau thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 đã làm lộ rõ những yếu kém, lạc hậu của phương Đông nói chung… Trước thực trạng ấy, giới cầm quyền “thức thời” cũng như một bộ phận trí thức “tiên phong” ở mỗi nước đều mong muốn cải cách đất nước. Trong đó có việc chuyển đổi nền giáo dục truyền thống (Cựu học) sang mô hình giáo dục mới (Tân học), bởi họ cho đây là cái gốc để giải quyết thực trạng nói trên. Quá trình chuyển biến này ở các nước Đông Á và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng.

Các địa biểu quốc tế và trong nước tham dự hội thảo trực tuyến

Mai Lan

Giới cầm quyền thức thời ở Thái Lan (Mongkut), Nhật Bản (Meiji) đã tiến hành cải cách đất nước và chuyển đổi nền giáo dục truyền thống sang giáo dục Tân học và mang lại những thành công cho quá trình hiện đại hóa đất nước. Ở Trung Quốc, giới thức giả (Lương Khải Siêu…) đã đề xướng cải cách đất nước cũng như chuyển đổi giáo dục, đã được xã hội chấp nhận và nền giáo dục Nho giáo kết thúc năm 1905.

Đối với Việt Nam, từ nửa sau thế kỷ 19, trước nguy cơ bị xâm lược, đã xuất hiện trào lưu tư tưởng canh tân, cải cách, trong đó có giáo dục, với những đề xuất của Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch… nhưng do những hạn chế của lịch sử lúc bấy giờ, những đề nghị đều không thành hiện thực. Qua đầu thế kỷ 20, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mới của phương Tây, thông qua Tân thư, Tân văn từ Nhật Bản, Trung Quốc tràn vào, các nhà Nho yêu nước, tiến bộ ở Việt Nam đã phát động phong trào Duy tân, khởi xướng lối dạy học thực nghiệp, thay cho kiểu “tầm chương trích cú”. Tuy đạt được những kết quả nhất định song phong trào sớm bị chính quyền thuộc địa dập tắt.

Nhằm thay thế nền giáo dục cũ, song hành với quá trình xâm nhập, người Pháp dần thiết lập nền giáo dục mới, sớm nhất ở Nam Kỳ, sau đó mở rộng ra cả nước, nổi bật nhất là hai cuộc cải cách giáo dục của Paul Beau (1906) và Albert Sarraut (1917-1919). Nền giáo dục Pháp - Việt được thiết lập thể hiện sự căn bản hoàn thiện, với hệ thống giáo dục từ tiểu học đến cao đẳng và đại học, lần đầu tiên, người Việt Nam tiếp nhận một hệ thống tri thức mới, cách tổ chức vận hành hệ thống giáo dục mới, những phương pháp dạy học mới… theo kiểu phương Tây. Dù còn có những hạn chế nhất định song nền giáo dục này cũng đã góp phần tạo nên những biến đổi quan trọng về văn hóa, xã hội của Việt Nam, tạo nên tầng lớp trí thức mới – bộ phận sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giải phóng dân tộc.

Các đại biểu tham dự hội thảo nghe tham luận trực tuyến

mai lan

“Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang tiến hành công cuộc đổi mới, căn bản và toàn diện, hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều vấn đề liên quan như lựa chọn mô hình nào, cần có một triết lý giáo dục ra sao… vẫn chưa được nghiên cứu”, báo cáo đề dẫn cho biết.

PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm,ĐH Huế, phát biểu tại hội thảo

Mai lan

PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, ĐH Huế, cho biết, hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ những giá trị của giáo dục Tân học trong tiến trình lịch sử của các quốc gia Đông Á cũng như có thêm sự đối sánh, tham chiếu giữa các nước Đông Á và Việt Nam. Từ đó, có thể đưa ra những giải pháp thiết thực khuyến nghị cho công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay. Đồng thời, cũng là cơ hội để các nhà khoa học ở Việt Nam và các nước công bố kết quả nghiên cứu và giao lưu trao đổi, hợp tác nghiên cứu học thuật lâu dài trong thời gian đến.

"Tiên học lễ, hậu học văn" là câu khẩu hiệu mang tư tưởng Nho giáo của nền Cựu học (nền giáo dục cũ) thế nhưng sau cuộc cách mạng giáo dục "Tân học" và trải qua nhiều gia đoạn lịch sử vẫn không hề mất đi mà vẫn là câu khẩu hiệu có mặt hầu hết trong các trường học.

Mặc dù hội thảo quốc tế "Tân học" không có tham luận nào liên quan đến câu chuyện thời sự này, nhưng những kiến giải từ các tham luận cũng đã cho thấy đổi mới giáo dục luôn có kế thừa và phát triển những giá trị tinh hoa của nhân loại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.