Lời kêu gọi từ thủ đô
Dù đã mờ, bức ảnh đen trắng tại trưng bày Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn vẫn cho thấy không khí tháng 12.1946. Ở đó, người dân đứng vòng trong, vòng ngoài của chiếc loa lớn phát ra lời kêu gọi. Xung quanh là quang cảnh những ngôi nhà Hà Nội san sát nhau như trong những bức tranh tả phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Đây là một trong những bức ảnh mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng lựa chọn cho trưng bày tại bảo tàng từ nay đến hết tháng 5.2022.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác |
Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được trưng bày với giải pháp phóng to và chữ nổi. Hiện vật gốc bút tích này đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Lời kêu gọi bản gốc này gồm 2 trang giấy màu ngà không có dòng kẻ, kích thước 13,5 x 20,5 cm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi ấy tại gác hai ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội. Trong bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngoài nét chữ mực nâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có bút tích sửa bằng mực xanh của ông Trường Chinh, Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương.
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã được phát trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam khi ấy đặt tại chùa Trầm (H.Chương Mỹ, Hà Nội) và đăng trên trang nhất Báo Cứu Quốc - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh và được in thành hàng ngàn áp phích, chuyển về nhiều địa phương trên toàn quốc.
Sau lời kêu gọi là sự hưởng ứng của nhân dân thủ đô. Tại trưng bày, vì thế có các hiện vật áo, băng đeo tay, phù hiệu, súng ngắn, súng trung liên Trung đoàn Thủ đô dùng chiến đấu ở Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến hồi tháng 12.1946, hiện vật gốc Bom ba càng, quyết tử quân Hà Nội dùng chống xe tăng Pháp; tư liệu ảnh Quyết tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp. Người trong ảnh là chiến sĩ Trần Thành (tức Nguyễn Văn Thiềng), thuộc Tiểu đoàn 212 Mặt trận Hà Nội, Trung đội trưởng, Chỉ huy Trung đội bảo vệ Bộ Tổng tham mưu.
Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
BTC cung cấp |
Đời sống Việt Bắc
Cuốn lịch sử viết về Nhà máy giấy Lửa Việt tại chiến khu Việt Bắc cũng góp mặt tại trưng bày chuyên đề, trong đó có đoạn: “Khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tiểu ban Tài chính T.Ư tổ chức di chuyển một số anh chị em nghề giấy ở ngoại thành Hà-nội và một số máy móc dụng cụ lên Việt-bắc để xây dựng một xưởng giấy cung cấp cho nhu cầu Kháng-chiến và giải quyết việc làm cho một số đồng bào tản cư… Tới địa điểm, anh chị em bắt tay vào việc xây dựng, phạt đồi se nền, tổ chức nơi ở và nơi sản-xuất. Trong khi xây dựng cũng kết nạp thêm một số đồng bào địa phương, tản cư không nghề…”. Những mô tả này cho thấy đời sống ở Việt Bắc khi đó được xây dựng từ gian khó, và có tổ chức chặt chẽ.
Nhiều tư liệu ảnh về đời sống ở Việt Bắc cũng được giới thiệu. Có nhiều tư liệu ảnh về Việt Bắc liên quan đến Bác Hồ. Trong đó có những bức ảnh như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác, Tuyên Quang năm 1951; Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam bộ, tháng 10.1949.
Cũng có cả tư liệu về đời sống kinh tế - xã hội trong kháng chiến.
Trưng bày có gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, được chia thành 3 phần.
Tại phần Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh - Hà Nội cùng cả nước kháng chiến có các nội dung như những quyết sách của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Hà Nội cùng cả nước kháng chiến.
Phần Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn có các nội dung: Việt Bắc - lợi thế địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa; Việt Bắc - nơi đặt các cơ quan đầu não kháng chiến và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư Đảng, Chính phủ; Lòng dân Việt Bắc; Việt Bắc - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng; Kinh tế, văn hóa - xã hội trong kháng chiến.
Phần Quyết chiến, quyết thắng tái hiện: Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; Tiếp quản thủ đô.
Bình luận (0)