Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp đáng kể của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, đồng sáng lập, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ.
Đường này bị chặn lối, tìm bằng được đường khác để đi !
Phải chăng, ẩn sau vẻ nhu mì đằm thắm của chị là sự mạnh mẽ, quyết đoán và đôi khi... liều?
|
|
“Con đường” nào chị từng gặp nhiều trúc trắc, gập ghềnh?
Đường học. Trong gần 10 năm, tôi trải qua ba lần dang dở đại học (ĐH). Năm 1991, tôi thi đậu hệ chính quy Khoa Văn Trường ĐH Đà Lạt. Lên năm thứ hai, tôi nhận thấy nếu mình tiếp tục học thì mấy cậu em tôi sẽ không có cơ hội. Mỗi ngày ngoài giờ đến trường, hai cậu em kế phải đi gánh cát dưới sông và làm thêm nhiều việc để gửi tiền cho tôi ăn học. Cho nên, tôi đã bỏ ĐH để thi khóa cấp tốc về du lịch vì vừa học vừa… có tiền.
Sau này, tôi còn học lỡ dở hai trường ĐH: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Mãi đến năm 2002, tôi mới có được tấm bằng ĐH Khoa Xã hội học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
|
Lần nào phải “uống thuốc liều” mà chị nhớ hoài?
Lần “uống thuốc liều” ấn tượng nữa là sau khi kết hôn, chúng tôi rời Phan Thiết vào TP.HCM kiếm việc làm. Và hành trình xin việc của tôi vào một sân golf ở TP.HCM rất liều: Tôi gọi điện vô lễ tân nhờ chuyển máy gặp ông tổng quản lý người Anh. Tôi được ông đặt lịch hẹn phỏng vấn trực tiếp và được ông ấy nhận vào làm việc. Trong khi đó, tôi được biết nếu muốn vào nơi này làm việc đều phải là người quen biết với phòng hành chính nhân sự!
Tôi thấy rằng chính những khó khăn, trúc trắc trong cuộc sống làm cho mình có nghị lực phi thường. Gần như tôi chẳng còn sợ gì cả, không sợ khổ, chẳng ngại khó.
Làm miết, không bao giờ hết việc
|
|
Vào năm 2007, trong thời gian mang bầu đứa con thứ hai, tình cờ tôi gặp bạn Lê Quế Phương (đồng sáng lập hội quán - PV) đi du học về, cũng đang mang thai và bạn ấy khá căng thẳng. Quế Phương cho hay ở nước ngoài có mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng để hướng dẫn kinh nghiệm chuẩn bị làm cha mẹ, chuẩn bị trước khi mang thai…
Sẵn có những trăn trở tương đồng, tôi và Quế Phương bắt tay mở những buổi sinh hoạt và mời chuyên gia đến chia sẻ. Nhưng kể cả khi tổ chức trong một chung cư khá quen thuộc, chúng tôi mời những gia đình trẻ mà họ cũng không đi. Từ đó, tôi mới nghĩ rằng phải thay đổi cách làm. Mà muốn làm được thì phải học nhiều. Một trong những khóa học tôi tham gia hồi đó là khóa Kỹ năng làm cha mẹ do cô Nguyễn Thị Oanh phụ trách. Song song đó, chúng tôi phối hợp với hội phụ nữ để thực hiện một số hoạt động.
Vợ chồng tôi cùng Quế Phương biên soạn những cuốn cẩm nang gia đình, cẩm nang cho bà mẹ mang thai nho nhỏ rồi tìm đến chia sẻ và gửi tặng nhiều chị em ở xa. Hồi đó bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thường hỗ trợ cho chúng tôi nhiều tài liệu rất hữu ích của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM.
Từ phạm vi hoạt động nhỏ lẻ, đến nay hội quán đã vươn rộng ra nhiều lĩnh vực, trong đó đã tạo nên những “thương hiệu” độc đáo như: Chợ quê giữa phố, Tủ áo dài chuyền tay… Theo chị, đó là nhờ những yếu tố nào?
Thời gian đầu, hội quán chỉ tập trung những bậc phụ huynh để chia sẻ việc tổ chức gia đình. Về sau, khi con em những thành viên trong hội quán lớn dần, nhu cầu của các cháu cũng mở rộng ra. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải đáp ứng sân chơi cho con và cùng học theo con.
Với phương châm “San sẻ mọi giá trị gia đình”, chúng tôi làm miết mà không bao giờ hết việc. Tôi đã gõ các cánh cửa để mời gọi sự hỗ trợ và hợp tác từ các hội đoàn, đơn vị truyền thông cho đến những người có chuyên môn… Theo tôi, những người nhận lời hỗ trợ cho hội quán, đặc biệt những chuyên gia giúp làm cố vấn là vì mình đến với họ rất chân thành, không vụ lợi.
Hầu hết các chương trình hoạt động của hội quán là miễn phí. Vậy các chị lấy đâu ra kinh phí để duy trì các hoạt động?
Khi mới thành lập, chúng tôi kêu gọi những người tham gia các buổi hội thảo đóng góp tiền trà bánh để cùng nhau sinh hoạt. Tuy nhiên, mô hình này bị thất bại dù khoản đóng góp rất nhỏ.
Đặc biệt, hội quán duy trì một số dự án “tự nuôi” và không phụ thuộc, như: Áo dài (từ việc may đo), Quần lót cho trẻ em và giáo dục phòng tránh xâm hại, Tủ sách chuyền tay... Ngoài ra, gia đình bạn Quế Phương luôn trích 10% từ thu nhập hằng tháng để giúp hội quán, xem đó như một trách nhiệm xã hội.
Đôi lúc không đủ kinh phí, chị em bỏ tiền túi ra bù. Nhưng mọi người đều vui.
Biết ơn chiếc áo dài và...
Trong các hoạt động của hội quán, luôn thấy chị và các thành viên mặc áo dài. Cơ duyên nào khiến chị gắn bó mật thiết với áo dài như vậy?
tin liên quan
Phụ nữ Việt, họ là ai?: Kỳ 4 - 'Bóng hồng' nơi người bị trầm cảm tựa vàoSau này quan sát nhiều trường học và đơn vị khác thu hẹp việc mặc áo dài, tôi nghĩ tới việc hội quán phải làm gì đó để phổ biến hơn loại trang phục nền nã này. Đây cũng là điều góp phần giúp một số thợ may áo dài níu giữ nghề nghiệp của họ, đồng thời tạo thêm đầu ra cho những làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.
Chúng tôi không hề bắt buộc, nhưng khi tham gia những chương trình của hội quán, tất cả nữ diễn giả đều mặc áo dài (kể cả những cô vốn quen mặc váy). Mấy đứa nhỏ là con em thành viên hội quán cũng đã quen mặc áo dài. Thậm chí, nhiều cháu còn nhắc ba mẹ “đi chương trình hội quán là phải mặc áo dài”!
Bản thân tôi đi chợ, đón con hay đi đâu cũng thường mang áo dài cách điệu. Và tôi luôn cảm thấy rất thoải mái, lịch sự.
Quan niệm của chị khi cùng hội quán giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn?
“Giúp người để người tự giúp”, đó là phương châm hỗ trợ mà chúng tôi luôn hướng đến.
Những người nào có tác động lớn đến chị cũng như hoạt động của hội quán?
Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh là người thầy lớn của tôi, tôi học cô qua tủ sách mà cô để lại.
Tôi nhớ hoài lời Giáo sư Trần Văn Khê: “Mình đừng có làm phách. Chuyện gì có thể giúp người được thì nên làm, cho dù chỉ là góp thêm một tiếng nói để có lợi cho người, xem như đó cũng là cách mình trả ơn cuộc đời”.
Rất năng động, làm việc vô điều kiện
Tôi quen với Thanh Thúy gần 10 năm nay. Cô gái này rất năng động, làm việc vô điều kiện và rất có tâm với những hoạt động giữ gìn truyền thống của quê hương. Đặc biệt, Thúy đam mê và đau đáu với sự phát triển của tà áo dài khiến tôi vô cùng trân trọng. Không những vậy, Thúy còn dành tâm sức để trang bị kỹ năng sống cho trẻ, giúp các cháu trải nghiệm thực tế. Tôi cũng rất tâm đắc với các chương trình Thúy đi đến những vùng xa để trồng cây, góp phần tạo dựng môi trường trong sạch cho con em chúng ta...
Nhà thơ, nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh
Hội quán đã và đang phát triển tốt
Tôi nhớ Hội quán Các bà mẹ thuở ban đầu có Nguyễn Thị Thanh Thúy, Lê Quế Phương, Trần Ngân Hà, Vũ Cẩm Vân, Phạm Thị Thúy... Các thành viên đều rất năng động và sáng tạo, đầy nhiệt tâm và có tấm lòng trong việc chăm sóc bà mẹ - trẻ em về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều buổi họ đã mời GS Trần Văn Khê nói về âm nhạc dân tộc cho trẻ nhỏ và mời tôi nói về nuôi dạy con, về giáo dục giới tính, về thiền dành cho các bà mẹ mang thai, giao lưu “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”... Tôi không thể quên các buổi sinh hoạt văn hóa do hội quán tổ chức, có khi giới thiệu một cuốn sách, một lối sống hạnh phúc, có khi thảo luận sôi nổi về chiếc áo dài, về dinh dưỡng... hội quán đã, đang phát triển tốt và tôi nghĩ có một phần đóng góp đáng kể của Thanh Thúy.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Có cái tâm xã hội và có rất nhiều ý tưởng
Chị Thúy là người rất nhiệt tình, khi thấy ở đâu có vấn đề cần làm cho phụ nữ và trẻ em là chị sẵn lòng xắn tay vào. Bên cạnh cái tâm xã hội, chị ấy có rất nhiều ý tưởng. Chính vì nhiều ý tưởng quá nên các chị em làm hết cái này sang cái kia, chứ không theo một chiến lược, kế hoạch hay lớp lang nào cả. Điều này vừa là thế mạnh vừa là thế yếu của chị Thúy. Bật mí thêm một chút: Chị Thúy có anh chồng rất tuyệt vời, hết lòng ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho chị làm các chương trình của hội quán.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, thành viên Ban Cố vấn Hội quán Các bà mẹ
|
Bình luận (0)