Hồi ức 2 phi công VN đầu tiên bay tìm kiếm máy bay MH 370 mất tích

08/03/2015 08:00 GMT+7

(TNO) Ngày 8.3.2014, ngay sau khi máy bay số hiệu MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng 239 hành khách, lập tức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử đội bay tìm kiếm. Tròn 1 năm đánh dấu sự kiện này, hai cơ trưởng Lữ đoàn không quân 918 kể với Thanh Niên Online về ngày tìm kiếm đầu tiên của họ.

(TNO) Ngày 8.3.2014, ngay sau khi máy bay số hiệu MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng 239 hành khách, lập tức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử đội bay tìm kiếm. Tròn 1 năm đánh dấu sự kiện này, hai cơ trưởng Lữ đoàn không quân 918 kể với Thanh Niên Online về ngày tìm kiếm đầu tiên của họ.

Các phi công VN bay tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trong ngày đầu tiên 8.3.2014 - Ảnh: Trung Hiếu

Cơ trưởng Vũ Đức Long: Đến giờ tôi vẫn dõi theo MH 370

Tôi nhận được lệnh từ sở chỉ huy lúc khoảng 10 giờ sáng. Thời điểm đó đơn vị đang chúc mừng ngày quốc tế phụ nữ 8.3. Sau khi nhận lệnh, anh em triển khai công tác tìm kiếm như thành phần tổ bay, lực lượng sẵn sàng chiến đấu, giao nhiệm vụ… Sau 35 phút mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng.

Lữ đoàn không quân 918 thường làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm nên tính chuyên nghiệp của anh em rất cao. Đặc biệt mọi người đều nhận thức tai nạn hàng không thường mang lại hậu quả thảm khốc, liên quan đến nhiều sinh mệnh, gia đình, tài sản nên chuyến bay đầu tiên được thực hiện rất khẩn trương.

Cơ trưởng Vũ Đức Long trong chuyến bay tìm kiếm đầu tiên ở ngày 8.3.2014 - Ảnh: Trung Hiếu

Chuyến bay tìm kiếm đầu tiên của tôi xuất phát lúc 15 giờ 7 phút và về Tân Sơn Nhất lúc 18 giờ 12 phút ngày 8.3.

Tại sao nhận lệnh từ trưa mà đến tận chiều mới xuất phát? Chúng tôi nhận lệnh khi 10 giờ, công tác chuẩn bị khoảng hơn 30 phút nhưng tới giữa chiều mới cất cánh là do lệnh bay phải được sở chỉ huy và Quân chủng hải quân thông qua.

Phạm vi tìm kiếm MH 370 rất lớn. Chúng tôi hầu như cày nát vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam ở vùng tiếp giáp Singapore và Malaysia.

Anh em tìm kiếm theo phương pháp hình hộp. Nghĩa là sau khi sở chỉ huy cho bốn điểm tọa độ, chúng tôi bay hình theo hình vuông, mỗi cạnh từ 3-5 phút bay, rồi từ khép dần vào. Phương pháp này cần phải bay sát biển mới dễ quan sát.

Phạm vi tìm kiếm MH 370 rất lớn. Chúng tôi hầu như cày nát vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam ở vùng tiếp giáp Singapore và Malaysia. Anh em tìm kiếm theo phương pháp hình hộp. Nghĩa là sau khi sở chỉ huy cho bốn điểm tọa độ, chúng tôi bay hình theo hình vuông, mỗi cạnh từ 3-5 phút bay, rồi từ khép dần vào. Phương pháp này cần phải bay sát biển mới dễ quan sát”

Cơ trưởng Vũ Đức Long

Cho nên trong ngày bay tìm kiếm đầu tiên, máy bay Trung Quốc bay ở độ cao 1.000 - 3.000 m, còn máy bay Việt Nam bay ở độ cao cách mặt biển khoảng 500 m.

Thường thì tổ bay gồm có 5 người gồm cơ trưởng, cơ phó, dẫn đường, cơ giới trên không, thông tin liên lạc. Riêng chuyến tìm kiếm hôm đó có thêm một phi công có nhiệm vụ quan sát bằng mắt và ống nhòm ngồi phía sau máy bay.

Chuyến bay chiều 8.3, ngoài máy bay Việt Nam còn có máy bay của Singapore, Trung Quốc nên chúng tôi còn được tăng cường thêm một phiên dịch từ Công ty quản lý bay miền Nam. Tuy nhiên, khi ra hiện trường thì không liên lạc được với máy bay của bạn nên chúng tôi chỉ thông báo bay ở độ cao nào để họ biết mà tránh.

Ở chuyến bay đầu tiên khi nghe thông tin là máy bay mất liên lạc và có khả năng rơi ở vùng biển Việt Nam, anh em đều quyết tâm và nghĩ sẽ tìm được nếu rơi ở đó. Ngày đầu tiên thời tiết tốt, máy bay lại bay rất thấp nên nếu có dấu hiệu mảnh vỡ sẽ phát hiện ra.

Kinh nghiệm bay tìm kiếm nhiều năm, tôi khẳng định chắc chắn sẽ tìm kiếm ra nếu máy bay rơi ở vùng biển Việt Nam. Thậm chí ngày đầu một số anh em còn chụp được vệt nghi là dầu loang nên lại càng hi vọng. Lúc đó tâm trạng anh em là muốn kiếm thật nhanh để cứu ai đó còn sống.

Mấy ngày hôm sau anh em bay về chỉ kịp ăn miếng cơm rồi lại bay ngay. Có người bay tới 9-10 giờ trên biển mỗi ngày.

Đợt tìm kiếm MH 370 là đợt tìm kiếm quy mô nhất từ trước tới nay của Lữ đoàn 918. Đến bây giờ tôi vẫn luôn theo dõi thông tin liên quan đến MH 370.

Cơ trưởng Hoàng Văn Phong: Mong cứu người còn sống

Gần trưa, tôi nhận được lệnh bay từ sở chỉ huy.Chuyến bay của tôi cất cánh lúc 14 giờ 25 phút, hạ cánh lúc 17 giờ 55 phút ngày 8.3. Việc chuẩn bị để máy bay cất cánh khoảng hơn 30 phút. Công tác chuẩn bị là sau khi nhận tọa độ, tổ bay vẽ đường bay, tính toán nhiên liệu, phương án ứng cứu ở hiện trường, chuyển trang thiết bị cứu sinh lên máy bay.

Tổ tìm kiếm MH 370, cơ trưởng Hoàng Văn Phong là người đứng đầu tiên phía bên trái - Ảnh: Độc Lập

Sau đó anh em bay ra tọa độ mà sở chỉ huy nghi vấn chiếc MH 370 gặp nạn. Chiếc An 26 nếu nạp đầy nhiên liệu bay trong hơn 3 giờ, vận tốc lúc đó hơn 300 km/giờ. Với độ cao và vận tốc đó, trên máy bay quan sát dưới biển rất tốt.

Ngay khi đó chúng tôi rất hi vọng khi bay ra biển sẽ tìm thấy máy bay bị nạn, thậm chí nghĩ sẽ nhìn thấy người còn sống.

Video: Cơ trưởng Hoàng Văn Phong kể lại chuyến bay tìm kiếm trong ngày đầu tiên

Sau khi nhận được lệnh, chúng tôi chỉ muốn bay ra thật sớm để tìm kiếm, nếu phát hiện sẽ thả áo và thuyền phao xuống cứu sống nạn nhân. Nhưng quá trình tìm kiếm suốt mấy ngày lại không thấy máy bay mà chỉ thấy các vệt nước màu vàng từng nghi ngờ là vệt dầu loang.

Đợt tìm kiếm MH 370, lữ đoàn 918 đã huy động rất nhiều lực lượng ở khu vực Tân Sơn Nhất tham gia tìm kiếm. Thậm chí đơn vị tăng cường lực lượng của lữ đoàn ở ngoài bắc vào tìm kiếm.

Trong chiến dịch tìm kiếm MH 370, kéo dài từ 8.3 đến 14.3, Lữ đoàn không quân 918 thực hiện 34 chuyến bay với 3 máy bay An 26 (2 chiếc trực tiếp bay tìm kiếm và 1 chiếc có nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy), 2 máy bay Casa 212. Thượng tá Vũ Đức Long bay 7 chuyến bay, thượng tá Hoàng Văn Phong bay 6 chuyến. Thượng tá Long hiện là Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918. Thượng tá Phong là Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 918.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.