TNO

Hồi ức của phi công trực thăng Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam

02/09/2016 09:15 GMT+7

(Tin Nóng) Giữa tháng 8.2016, cựu phi công trực thăng vũ trang Mỹ William Reeder, tác giả hồi ký Through the Valley: My Captivity in Vietnam, kể lại với tạp chí Air & Space hành trình bị bắt làm tù binh đưa ra miền Bắc khi trực thăng AH-1 Cobra của ông bị bắn rơi ở chiến trường phía tây tỉnh Kon Tum năm 1972.

(Tin Nóng) Giữa tháng 8.2016, cựu phi công trực thăng vũ trang Mỹ William Reeder, tác giả hồi ký Through the Valley: My Captivity in Vietnam, kể lại với tạp chí Air & Space hành trình bị bắt làm tù binh đưa ra miền Bắc khi trực thăng AH-1 Cobra của ông bị bắn rơi ở chiến trường phía tây tỉnh Kon Tum năm 1972.

Trực thăng vũ trang AH-1G Cobra bay trên một khu vực ở miền Nam Việt Nam, tháng 1.1968 - Ảnh: Quân đội Mỹ

Đó là vào năm 1972, khi Nixon tiến hành giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh, chuyển dần vai trò chính trên chiến trường từ quân Mỹ sang cho quân VNCH. Nhiều người gọi đó là việc “thay màu da trên xác chết”, để Mỹ nhanh chóng rút khỏi cuộc chiến Việt Nam.

William Reeder Jr. tham chiến ở Việt Nam từ 1968 - 1969, ban đầu lái máy bay trinh sát 1 động cơ cánh quạt cỡ nhỏ OV-1 Mohawks, phục vụ cho các nhiệm vụ bí mật bên trong lãnh thổ Lào, Campuchia và Bắc Việt Nam. Sau khi về Mỹ, đến năm 1971 Reeder quay lại Việt Nam, lần này lái loại trực thăng vũ trang mới, trang bị hoả lực mạnh nhất lúc đó, loại AH-1 Cobra.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Air & Space (Mỹ) tháng 8.2016, Reeder cho biết Cobra là trực thăng vũ trang cực kỳ tốt. Đó là trực thăng đầu tiên của Lục quân Mỹ được thiết kế làm nhiệm vụ tấn công mặt đất. Cobra trang bị các giá phóng tên lửa (7 quả/giá) và rocket (loại 19 ống phóng) ở cánh, đằng mũi gắn 1 khẩu súng máy 7,62 mm cùng 1 súng phóng lựu loại 40 mm. Riêng chiếc AH-1G Cobra của Reeder gắn thêm 1 khẩu pháo Vulcan Gatling 20 mm ở cánh.

Sau này Reeder bay loại trực thăng AH-64 Apache hiện đại hơn nhưng ông nói vẫn yêu thích chiếc Cobra ngày nào.

Reeder bên cạnh một chiếc trực thăng AH-1 Cobra trước khi bị bắn rơi - Ảnh: William Reeder Jr. 

Nhiệm vụ của Reeder là bay tháp tùng các nhóm lực lượng đặc biệt để hỗ trợ hoả lực khi thả nhóm xuống mặt đất. “Những ngày nắng nóng, chiếc Cobra rất nặng nề và khó điều khiển bay tại chỗ khi chất đầy vũ khí và nhiên liệu”, ông Reeder nhớ lại.

Những lúc không bay, Reeder cùng đồng đội vào quán bar trong căn cứ để nhậu và tán dóc cũng là cách xả căng thẳng.

Ngày 9.5.1972, khi đang bay hỗ trợ ở khu vực Bến Hét (Ngọc Hồi, Kon Tum), chiếc trực thăng AH-1 Cobra của Reeder bị quân giải phóng bắn rơi. Phi công phụ chết, còn Reeder bị thương nặng, gồm vết thương ở mắt cá chân phải, bị thương ở lưng cùng các vết phỏng ở sau cổ sau khi máy bay cháy và rơi xuống đất.

Reeder cố gắng lẩn trốn trong rừng khi bị bộ đội Việt Nam bao vây, và ba ngày sau thì bị bắt.

Sau nhiều tuần bị giam trong rừng, Reeder bị áp giải ra miền Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh, vượt cả ngàn km cùng 26 tù binh khác. Đó là con đường gian khổ, khi tù binh Mỹ thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm do các đồng đội của họ gây ra, đó là các trận bom từ máy bay Mỹ dội xuống trên đường họ bị dẫn giải ra miền Bắc. Trong số 27 tù binh có 7 người thiệt mạng.

Ra đến miền Bắc, Reeder bị giam tại nhà tù nổi tiếng dành cho tù binh Mỹ: Hoả Lò, còn được đặt biệt danh là khách sạn Hilton Hà Nội.

Nhà tù Hoả Lò, nơi giam giữ tù binh Mỹ, chụp trước khi phi công trực thăng William Reeder được thả năm 1973. Reeder bị giam ở phòng có giá sách phía trước - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Khi được tạp chí Air & Space hỏi về cảm nghĩ đối với những người áp tải, ông Reeder nhớ lại một người lính trên đường áp tải thỉnh thoảng cho ông ta thuốc lá. Không chỉ tù binh Mỹ mà cả những người áp giải tù binh cũng đối mặt với nguy hiểm. Tại một số điểm dừng chân, những người áp giải tù binh Mỹ thậm chí phải sử dụng vũ lực để ngăn cản nhiều người dân và cả bộ đội tìm cách trút giận lên nhóm tù binh Mỹ vì tức giận những gì bom đạn Mỹ đã gây ra cho họ.

Ông Reeder cũng cho hay kinh nghiệm ở tù tại Hoả Lò đã giúp ích cho con đường binh nghiệp sau đó của ông khi được trao trả tù binh vào năm 1973. Sau khi về Mỹ, ông quay lại đại học và lấy bằng tiến sĩ sử học, rồi dạy ở vài trường đại học, trường nghiên cứu quân đội cao cấp ở Fort Leavenworth (bang Kansas). Trong 10 năm trở lại đây ông tham gia đào tạo cho chỉ huy các nhóm chiến đấu cơ động của Lục quân Mỹ và hiện là với lực lượng đặc biệt của NATO.

Bìa cuốn hồi ký Through the Valley: My Captivity in Vietnam, xuất bản tháng 4.2016

Một chiếc trực thăng vũ trang loại AH-1 Cobra trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Quân đội Mỹ

Ông còn đóng góp cho các chương trình đào tạo huấn luyện về sinh tồn, trốn thoát và kháng cự của Lục quân Mỹ ở Fort Rucker, bang Alabama, "nhờ những kinh nghiệm từng là tù binh của tôi”, Reeder nói với Air & Space.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.