Nhà báo Phạm Công Luận đã sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng anh - một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.
Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Trong tùy bút này, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên qua những câu chuyện đầy hoài niệm về các con đường ngày trước: có con đường trải qua 7 lần thay tên (như đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); có những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong "lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào" nhưng "không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian"...
Độc giả cũng được cung cấp những thông tin thú vị mà có thể chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời; sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây là con hẻm) đã được đặt lại theo tên ông - thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay. Hay đầu thế kỷ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là "nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương"…
Bình luận (0)