Hội Xuất bản Việt Nam phải biến ngày sách thành sự kiện quốc tế

12/07/2023 19:13 GMT+7

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, yêu cầu Hội Xuất bản Việt Nam, ngành xuất bản triển khai các giải pháp để lan tỏa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam thành sự kiện không chỉ ở trong nước.

Thúc đẩy Ngày sách và văn hóa đọc

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, giải thưởng Sách quốc gia là 2 sự kiện thường niên được nhắc đến nhiều lần tại Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ V (2023 - 2028) ngày 12.7. Đây là các sự kiện có dấu ấn trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc cũng như ngành xuất bản.

Hội Xuất bản Việt Nam phải biến ngày sách thành sự kiện quốc tế - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, phát biểu tại đại hội

BTC CUNG CẤP

Về 2 sự kiện này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản; chuyển đổi số là giải pháp đột phá xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc".

Cụ thể, ông Nghĩa cho biết, Hội Xuất bản Việt Nam cần tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21.4) hằng năm và giải thưởng Sách quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa; không chỉ ở trong nước mà cho kiều bào và bạn bè quốc tế.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, Hội Xuất bản Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà.

Hội Xuất bản Việt Nam phải biến Ngày sách thành sự kiện quốc tế   - Ảnh 1.

Ban Chấp hành khóa mới của Hội Xuất bản Việt Nam

BTC CUNG CẤP

Việc thúc đẩy văn hóa đọc cũng như giải thưởng sách là một trong 5 nội dung lớn ông Nghĩa chỉ đạo tại hội nghị. Theo đó, để đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển.

Cũng theo ông Nghĩa, Hội Xuất bản Việt Nam cần tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như câu lạc bộ biên tập viên, câu lạc bộ những người làm sách trẻ, câu lạc bộ phát hành sách; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách, đường sách tại các khu dân cư; đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động phố sách, đường sách tại địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, xây dựng luật Xuất bản

Ông Nghĩa cũng nhắc nhở việc ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, trước mắt là đóng góp tích cực vào tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW Về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản vào năm 2024; tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng về hoạt động xuất bản và sửa đổi, bổ sung luật Xuất bản 2012; bảo đảm phát triển tốt đi đôi với chỉ đạo, quản lý tốt.

Cũng theo ông Nghĩa, Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Hội Xuất bản Việt Nam phải biến Ngày sách thành sự kiện quốc tế   - Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách trong một sự kiện sách

QUỲNH TRẦN

Ông Nghĩa cũng nhắc nhở việc Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của hội, đáp ứng bước phát triển nhanh của xuất bản và vị thế mới của hội xuất bản hiện nay...

Một ý kiến khác cũng đáng lưu tâm tại đại hội là đề xuất của ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Theo đó, ông Hoàng cho rằng, cần thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Ủy ban trực thuộc Chính phủ, do một phó thủ tướng phụ trách, có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược phát triển toàn diện và cơ bản nền văn hóa đọc Việt Nam; xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển văn hóa đọc...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.