PV Thanh Niên tiếp tục ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng của người trẻ nói lên tâm huyết và mối quan tâm của mình về các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thanh niên.
Lao động trẻ mong mỏi sớm có nhà ở
Tôi từ Thanh Hóa ra Bắc Ninh làm công nhân lắp ráp điện tử từ năm 18 tuổi, đến nay cũng đã có thâm niên hơn 10 năm. Trong suốt thời gian làm việc tại KCN Yên Phong, tôi đã đổi nhà trọ nhiều lần. Trước đây, khi còn độc thân, mình sống đơn giản thế nào cũng được, miễn là có chỗ để ngả lưng sau giờ tan ca. Bây giờ có gia đình, nhất là từ khi có em bé, vợ chồng tôi chuyển sang thuê căn trọ tiện nghi hơn, có thêm điều hòa 2 chiều nóng lạnh. Chồng tôi cũng làm công nhân, mới nghỉ việc trước tết, giờ vẫn chưa xin được việc làm mới. Có thời gian tôi phải gửi con về quê cho ông bà trông, nhưng vì nhớ con quá tôi đón cháu ra ở cùng, xin gửi trẻ tư thục gần chỗ trọ.
Không chỉ tôi mà nhiều anh chị em công nhân ngoại tỉnh khác đều có chung mong muốn được "an cư, lạc nghiệp". Lương công nhân hơn 10 triệu đồng/tháng, tiền trọ 1 triệu đồng, tiền gửi trẻ 2 triệu đồng, điện nước 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền ăn, xăng xe đi lại… mỗi tháng tằn tiện tiết kiệm cũng chỉ dư dả 2 - 3 triệu đồng. Giờ ít việc, thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới mua nổi nhà. Vì thế, giấc mơ về ngôi nhà riêng đối với công nhân đến nay vẫn cứ xa vời.
Chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách cho công nhân thuê nhà trọ với mức giá phù hợp với thu nhập, về lâu dài có thể hóa giá bán cho công nhân với giá rẻ. Ngoài ra, với những gia đình trẻ, chúng tôi mong mỏi nhà nước, doanh nghiệp sớm đầu tư xây dựng nhà trẻ, cho các cháu có môi trường học hành, sinh hoạt an toàn, để những người mẹ giải tỏa nỗi lo lắng, chuyên tâm làm việc.
Lê Thu Trang (Công nhân tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh)
Thủ tướng sẽ đối thoại với thanh niên: Người trẻ kiến nghị điều gì?
Cần đẩy lùi những thông tin sai trái, xấu độc trên không gian mạng
Cách mạng công nghiệp 4.0 có vai trò rất quan trọng, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người dân, trong đó có tôi. Công nghệ giúp cho tôi rất nhiều trong công việc, có thể dễ dàng làm việc, giao lưu, kết nối với mọi người một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận quá dễ dàng mọi thứ thông qua các nền tảng mạng xã hội hiện nay như TikTok, Facebook, YouTube… đã phát sinh không ít tiêu cực vì có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật được đăng tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt là chạy theo xu hướng đám đông rất dễ gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức và có thể chính người tiếp nhận khi vô tình chia sẻ hay hiểu không đúng bản chất của thông tin. Vì vậy, tôi đề nghị cần tập trung đầu tư hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc làm chủ khoa học và công nghệ. Đặc biệt là cần đẩy lùi những thông tin sai trái, xấu độc trên không gian mạng vì hiện nay giới trẻ chính là những người đang tiếp cận và sử dụng mạng xã hội hằng ngày, để mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần phải có trách nhiệm, văn hóa và nhất là đúng pháp luật.
Huỳnh Lê Nhật Huy (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại một cơ quan nhà nước thuộc TP.Đồng Xoài, Bình Phước)
Chương trình giáo dục - đào tạo ở một số bậc học còn nặng về lý thuyết
Cuộc cách mạng 4.0 đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giáo dục và đào tạo có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục nên các nền tảng giá trị tốt đẹp cho con người và đào tạo những kỹ năng cần thiết để con người có thể tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tham gia khởi nghiệp.
Thế nhưng hiện nay chương trình giáo dục đào tạo ở một số bậc học còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; ở một số môi trường đào tạo chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của học sinh, sinh viên, từng vùng miền khác nhau. Như vậy, trong thời gian sắp tới ngành giáo dục và đào đạo cần có những quyết sách gì để thực hiện vai trò chủ lực xây dựng cho đất nước nguồn nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thời đại?
Nguyễn Vũ Vương (Bí thư Thị đoàn TX.La Gi, Bình Thuận)
Quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới
Trong thời đại 4.0, người trẻ nếu thiếu tỉnh táo sẽ dễ dàng bị những thứ văn hóa độc hại xâm nhập khiến những giá trị văn hóa truyền thống bị phai nhạt, cuốn theo những trào lưu, tư tưởng không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Thậm chí, nó có thể gây nguy hại với văn hóa nước nhà và xa hơn là ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một dân tộc.
Với vai trò là một sinh viên, tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các cấp luôn quan tâm sâu sắc hơn nữa đến các đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó tạo ra nhịp cầu văn hóa để cùng gìn giữ, phát huy bản sắc riêng của các dân tộc, không làm lu mờ nét văn hóa đặc trưng của bản sắc ở vùng biên giới.
Hà Ngọc Trang (Sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh)
Tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên
Cùng với cơ chế, chính sách, đề án, chương trình về tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn của Đảng và Nhà nước, thì các ngành chức năng cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm.
Đồng thời, huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên; có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, nhất là các nghề kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, để định hướng cho công tác đào tạo cũng như lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên, thanh niên…, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Nguyễn Thị Mỹ Lệ (Phó ban Phong trào thanh niên, Tỉnh đoàn Quảng Trị)
Bình luận (0)